Quy định rõ hơn về lỗi vượt đèn vàng
Thông tư số 6/2016/TT-BGTVT ngày 8-4-2016 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-11. Theo đó, quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ và rào chắn, cột km, mốc lộ giới, gương cầu lồi, dải phân cách có lan can phòng hộ.
Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các tuyến đường đối ngoại).
Cũng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.
Nhờ mang thai hộ phải trả chi phí
Cũng có hiệu lực từ ngày 1-11, Thông tư 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Theo đó, trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ BHYT thì các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm: chi phí đi lại tới cơ sở khám chữa bệnh (KCB) để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế; chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ KCB; chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ…
Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức
Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều đánh giá học sinh (HS) tiểu học có hiệu lực từ ngày 6-11. Theo đó, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên (GV), HS, cha mẹ HS; trong đó đánh giá của GV là quan trọng nhất.
Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, GV căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá HS đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức: Hoàn thành tốt; hoàn thành; chưa hoàn thành.
Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, GV chủ nhiệm căn cứ vào các biểu hiện liên quan đến nhận thức, kỹ năng, thái độ trong quá trình đánh giá thường xuyên về sự hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của mỗi HS, tổng hợp theo các mức: Tốt, đạt, cần cố gắng.
Nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội
Thông tư 139/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15-11, hướng dẫn về cách tính tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội (NƠXH) quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại NƠXH được quy định như sau:
- Đối với NƠXH là căn hộ, chung cư: Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x S x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất. Trong đó: S là diện tích căn hộ, chung cư cần được xác định tiền sử dụng đất phải nộp; Giá đất: xác định theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quy định tại bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm bán lại NƠXH; Hệ số phân bổ: xác định theo quy định tại điều 8 thông tư này.
- Đối với NƠXH là nhà ở thấp tầng liền kề: Nộp 100% tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất xác định theo giá đất quy định nêu trên x diện tích đất NƠXH.
Nguyên tắc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh
Thông tư 34/2016/TT-BYT quy định việc sàng lọc, chẩn đoán và xử trí trước sinh đối với phụ nữ mang thai, có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11.
Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai sẽ được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của người phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ.
Trước khi thực hiện chấm dứt thai kỳ, cơ sở KCB phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan; các bác sĩ chuyên khoa tham gia hội chẩn phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý; có thể thuộc các khoa, phòng của cơ sở KCB hoặc được mời từ các cơ sở KCB khác.
Thay đổi biển giao thông cấm rẽ, quay đầu xe
Theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, quy định về biển cấm rẽ trái và cấm rẽ phải như sau:
“Để báo cấm rẽ trái hoặc rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau, phải đặt biển số P.123a “Cấm rẽ trái” hoặc biển số P.123b “Cấm rẽ phải”. Biển không có giá trị cấm quay đầu xe”.
Theo quy định cũ, nếu thấy hai biển báo này, các loại xe cũng không được phép quay đầu xe
Đối với việc cấm quay đầu xe, Thông tư 06/2016/TT-BGTVT đã bổ sung các biển báo giao thông mới với các quy định cụ thể sau: “Cấm rẽ trái và quay đầu xe”, “Cấm rẽ phải và quay đầu xe”, “Cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe” và “Cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe”.
Biển số P.124a cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) và biển số P.124b cấm ô tô và xe máy 3 bánh (side car) quay đầu (theo kiểu chữ U), trừ các xe được ưu tiên theo quy định
Theo đó, để báo cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) quay đầu (theo kiểu chữ U), phải đặt biển số P.124a “Cấm quay đầu xe”. Chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe. Để báo cấm ô tô và xe máy 3 bánh (side car) quay đầu (theo kiểu chữ U), trừ các xe được ưu tiên theo quy định, phải đặt biển số P.124b “Cấm ô tô quay đầu xe”. Chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm ô tô quay đầu. Biển không có giá trị cấm rẽ trái để đi sang hướng đường khác.
Để báo cấm các loại xe rẽ trái đồng thời cấm quay đầu phải đặt biển P.124c “Cấm rẽ trái và quay đầu xe”.
Để báo cấm các loại xe rẽ phải đồng thời cấm quay đầu phải đặt biển P.124d “Cấm rẽ phải và quay đầu xe”.
Để báo cấm ô tô rẽ trái và đồng thời cấm quay đầu phải đặt biển P.124e “Cấm ô tô rẽ trái và quay xe”.
Để báo cấm ô tô rẽ phải và đồng thời cấm quay đầu phải đặt biển P.124f “Cấm ô tô rẽ trái và quay xe”.
Nếu đặt biển “Cấm quay đầu xe” hay biển “Cấm ô tô quay đầu xe” ở một đoạn đường không phải là nơi đường giao nhau thì vị trí bắt đầu cấm phải dùng biển số S.503d “Hướng tác dụng của biển” đặt bên dưới biển chính.
Trước hoặc sau những vị trí đặt biển cấm quay xe phải đặt biển chỉ dẫn vị trí quay xe biển số I.409 hoặc I.410.
Huỳnh Hiếu
Bình luận (0)