Theo UBND quận 1, TP HCM, hiện 7/10 phường của quận này đề xuất mở phố ẩm thực theo giờ trên vỉa hè.
Nhiều phương án
Theo đó, phường Bến Thành đề nghị tổ chức phố ẩm thực trước Cung Văn hóa Lao động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, cho biết nếu được quận thông qua thì nơi đây sẽ có 10 gian hàng, chia làm 2 ca, giải quyết được cho 20 hộ buôn bán. Ở phường này có 19 hộ cận nghèo nên sẽ ưu tiên bố trí những hộ này trước, sau đó đến những hộ đã thoát nghèo nhưng có nguy cơ tái nghèo hoặc các hộ khó khăn. Các gian hàng này chỉ được bày bán theo dạng mang đi chứ không sắp xếp bàn ghế để ăn tại chỗ.
"Bên cạnh đó, phường cũng xin chủ trương của quận cho sắp xếp lại một số hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Thị Nghĩa cho gọn gàng, vận động các hộ làm quầy hàng đồng nhất, bảo đảm mỹ quan đô thị" - ông Vinh thông tin.
Phường Phạm Ngũ Lão cũng đề xuất làm phố ẩm thực trên đường Nguyễn Thái Học (đoạn bên hông Trường THPT Ernst Thalmann) theo 3 khung giờ: sáng từ 6-10 giờ, trưa từ 11 giờ 30 phút đến 14 giờ và tối từ 17-20 giờ.
Theo UBND phường Phạm Ngũ Lão, khu vực này có những đặc điểm như bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông và tiềm năng phát triển buôn bán. Vị trí tổ chức có chiều dài 40 m, chiều rộng vỉa hè 10 m, có thể sắp xếp được 60 hộ. Khu vực này có lưu lượng người qua lại đông, tiềm năng phát triển lượng khách cao và gần bãi xe ở Công viên 23 Tháng 9 nên thuận tiện cho khách.
UBND phường Phạm Ngũ Lão đề xuất 2 phương án tổ chức, gồm: phương án 1 là mang đi (các hộ vận chuyển thực phẩm chế biến sẵn đến và hâm nóng lại, bán cho khách); phương án 2 là bố trí khu vực sử dụng chung cho khách ăn uống tại chỗ, trang bị thùng rác bảo đảm vệ sinh môi trường.
Phố hàng rong ở Công viên Bách Tùng Diệp khá đông khách vào buổi trưa 7-12
Liên kết, giúp đỡ nhau
Sau 2 tháng khai trương phố ẩm thực theo thời gian (còn gọi là phố hàng rong), các tiểu thương buôn bán ở khu vực Công viên Bách Tùng Diệp (phường Bến Nghé, quận 1) đã dần ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thành, thợ sửa đồng hồ ở đường Lê Thánh Tôn, hơn một tháng qua đã trở thành thực khách quen thuộc ở khu ẩm thực này. Cứ đến tầm trưa là ông cùng đồng nghiệp đến đây dùng bữa.
"Ở đây có nhiều món để chọn. Món khô như cơm, bò né, bò xào hay bột chiên đều có. Giá cả hợp lý mà lại vừa miệng nên tôi cùng bạn đến ăn thường xuyên" - ông Thành chia sẻ.
Người bạn đi cùng là ông Vũ Trung cho biết 2 người thường chọn dãy bàn ở khu vực trong cùng vì có mái che bằng tôn nên mát mẻ hơn các dãy bàn có mái che bằng vải bạt. Do đến khá trễ (lúc 12 giờ 30 phút) nên hết cơm, hai người chọn 2 món khác kèm 2 ly sinh tố. "Ở đây có cái hay là mình ngồi gần gian bán cơm nhưng gọi món khác ai nấy đều vui vẻ chứ không có chuyện phân chia địa bàn. Mọi người liên kết với nhau, gọi giúp nhau món ăn khách chọn" - ông Trung nhận xét sau hơn 1 tháng "cắm chốt".
Theo quan sát của chúng tôi, thời điểm khu phố hàng rong này đông đúc nhất là từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút. Khách chọn món rồi ra bàn ngồi chờ đồ ăn. Sau vài phút, món ăn được mang ra nóng hổi, nhân viên phục vụ chu đáo.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quầy số 15) cho biết hiện mỗi buổi bán được khoảng 50 đĩa cơm, lãi từ 300.000-400.000 đồng. Do khách đến ăn chủ yếu là nhân viên văn phòng, công sở gần đó nên phố ẩm thực chỉ mở từ thứ hai đến thứ bảy. Đồ ăn nấu sẵn ở nhà rồi mang ra đây hâm lại.
"Với thu nhập như vậy thì không đủ trang trải cuộc sống cho vợ chồng và 2 đứa con nên buổi chiều tôi phải đi bán thêm ở chỗ khác" - chị Tuyết nói.
Việc buôn bán phát triển hơn trước
Trước đó, phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm (khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian ở tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm) khai trương hôm 28-8 trong sự háo hức của người dân. Sau hơn 3 tháng hoạt động, việc buôn bán của người dân đã phát triển hơn trước. Quầy cơm đồng giá 25.000 đồng của ông Nguyễn Văn Thanh (trước bán cơm trên vỉa hè đường Nguyễn Trung Ngạn) tăng từ 50 đĩa/ngày cách đây 2 tháng lên 90 đĩa. Cũng như các hộ khác, ông Thanh kê thêm bàn phía trong cho khách ngồi ăn.
Kế bên, chị Phạm Thị Ngọc Giàu (trước bán trái cây ở đường Pasteur) cho biết dạo này chỉ bán lai rai, mỗi buổi chừng 30 hộp trái cây. Điểm chung của 2 phố hàng rong ở quận 1 là có một vài quầy hàng không tham gia buôn bán nữa.
Bình luận (0)