Hồi đó các cụ dạy "già néo đứt dây", riêng cái bụng đói vài tiếng là hết chịu nổi nghe. Cà phê ở TP HCM cho ra mấy câu chuyện càm ràm từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối mịt. Rồi ai có lỡ nghe thì ráng mà nuốt từng lời vô bụng hoặc quên đi lúc nào không biết.
Thời "mắc dịch", công nhân nghèo đến đâu chắc cũng có tiền cho 1-2 ly cà phê đường phố. Đóng cửa hẳn thì lấy gì ăn và lo cho gia đình? Thôi thì ráng bán cho Grab với Be chở về. Chán đó, ghét đó mà phải ráng sống thôi.
Rồi sẽ đến một lúc có những người không kiếm nổi chút gì ăn cho qua bữa. Thấy nhiều lắm rồi. Thấy cả những tấm lòng người dân TP HCM trong thời dịch bệnh.
Dịch mà, ai cũng thiệt thôi. Đến cầm cự cũng còn khó khăn, huống gì mấy công nhân thời vụ trông vào đồng lương. Ngồi nghe đến tội. Cũng đâu phải dễ dàng gì trụ lại ở đất này.
Chàng công nhân kể hàng tháng cố tằn tiện gửi dăm ba triệu cho ba má ở Đồng Nai. Mất 6 tháng để thạo nghề, nghe ra cũng không dài. Họ chỉ đào tạo kỹ năng để làm được một công việc nhất định, ra chỗ khác lại đào tạo từ đầu. Thời buổi kiếm từng đồng cơm, chén gạo, cố mà bám trụ. Đùng một cái bị cho nghỉ. Đơn hàng không có thì chủ cũng đâu còn tiền thuê mình nữa.
Gian hàng 0 đồng
Vậy là đói. Muối mặt đến cái chỗ phát cơm từ thiện. Tiếng là thanh niên sức dài vai rộng đi ăn cơm từ thiện cũng kỳ. Rồi thi thoảng lượn qua cổng bệnh viện lấy một hộp cơm, năm ba bữa đến chỗ cơm chay xin một bữa. Về quê cũng đâu có việc mà làm. May mà ở thành phố cũng được bữa nọ bữa kia. Chủ cũng đói nói gì nhân viên. Vậy mà họ vẫn chia sẻ đó thôi. Ra quận 1 thì biết. Cất từng bước giữa đường phố với chiếc khẩu trang, ngắm xe cộ từng dòng với con mắt lo âu, loang loáng.
Nhưng TP HCM đâu chỉ có thế giữa cơn bão này. Sang quận 3, nghía thấy ổ bánh mì giảm giá còn 12.000 đồng, nhưng khi mua thì: "Thôi bớt xuống 10.000 đồng, chị không có tiền lẻ thối lại. Với nhiều nơi người ta còn tặng bữa ăn miễn phí… ". Lý do thiệt dễ thương.
Chuẩn bị những suất cơm 0 đồng
Dịch đến, dân bán bưng vẫn an nhiên mà sống. Không sai khi gọi họ là một phần hồn cốt đất này. Ba thế hệ cùng bán bánh canh. Hai mẹ con cùng chung xe hủ tiếu. Họ cười vui và cố gắng loại bỏ câu tếu táo "mắc dịch" ra khỏi cửa miệng hàng ngày. "Phạm húy đó. Tụi tui khổ vì dịch lắm rồi".
Dân nhập cư không hà, tích cóp từng ngàn đồng một. Nuôi ống heo đầy nhóc mà đập ra cũng chỉ bằng bữa cơm sang trọng của người giàu. Kệ thôi, vẫn cười phớ lớ. "Trời chưa sập được đâu cưng." Không được mở hàng bán thì gửi hàng, ship hàng. Họ vẫn như thế, dù biết đằng sau lời nói và điệu cười lạc quan là biết bao nước mắt nuốt vào lòng.
Mới đây thôi, ra mua khoai của một anh khuyết tật vận động, di chuyển khó, chắc luyện tập dữ lắm mới bán hàng được. "Hổng phải đâu em. Cứ cố mà vác, mà bưng đồ đi bán rồi cũng phải chịu đựng mà sống".
Sau lớp khẩu trang, có thể môi anh đang cố mím lại, có khi răng cắn chặt để giơ ngón cái lên cảm ơn người khách hiếm hoi trong ngày. Trời mưa. Xe hàng rong húi lúi nép vào chỗ kin kín. "Làm miếng bánh đi chú em".
Hai con người cùng khép nép. Kẻ mong nước không tạt vào làm ướt bộ vét mới đóng, người sợ nước làm ướt đống hàng nuôi sống cả một gia đình. "Nước mưa cuốn bay lũ vi rút đi thì tốt. Tui đỡ đói". Anh bán khoai cố giơ bàn tay bị tật lên chào người khách không quen.
Bình luận (0)