Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nạn nhân là những người đang tò mò đứng xem. Bản tính hiếu kỳ, tính tò mò đã khiến nhiều người quên đi bổn phận của một công dân cần làm gì khi sự việc hay tai nạn xảy ra.
Thừa hành động, thiếu suy nghĩ
Đám đông hiếu kỳ có rất nhiều ở các xã hội khác. Tại Pháp, đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đám đông hiếu kỳ được xem là "nhóm bình dân". Đám đông này tác động đến xã hội rất lớn, gây phân rã các nhóm xã hội bởi những tranh cãi liên quan đến lợi ích của cá nhân hơn là cộng đồng xã hội. Họ thiếu khả năng suy luận, thừa khả năng hành động chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân về một vấn đề quan tâm, bất chấp những bối cảnh của một sự việc không hoàn toàn như suy đoán của họ. Vậy đám đông là ai?
Đó là sự tập hợp nhiều cá nhân thuộc nhiều thành phần khác nhau của xã hội, tập trung ngẫu nhiên và cùng nhìn về một sự việc mình quan tâm. Tuy nhiên, đây chỉ là một đám đông cơ học, ít có sự tương tác, tan ra nhanh chóng sau đó.
Trở lại Việt Nam, rõ ràng các cá nhân tham gia vào đám đông hiếu kỳ chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò về các sự kiện xã hội (đám tang nghệ sĩ, tai nạn, hỏa hoạn...), không bao giờ quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội, thậm chí cản trở người đang thi hành công vụ. Họ tham gia vào các sự kiện nhằm biết được chuyện gì xảy ra, bàn tán và đưa ra phán xét dựa trên những suy nghĩ cảm tính, bất chấp mọi hậu quả. Điều này có thể lý giải vì các cá nhân thiếu hiểu biết về vị thế, vai trò, chuẩn mực của cá nhân đối với xã hội. Sự kém hiểu biết khiến họ luôn cho mình đúng, dẫn đến các hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức, chính quyền và xã hội. Ví dụ như đạp lên nhau quay phim đám tang một nghệ sĩ vừa mất, họ cho việc này là đúng, vì cần thông tin đến những người quan tâm tới nghệ sĩ, bất chấp nỗi đau mà gia đình nghệ sĩ đang gánh chịu. Hay việc đứng xem các vụ tai nạn, đạp lên dấu vết tại hiện trường khiến cơ quan chức năng rất khó điều tra vụ việc.
Ở 2 ví dụ trên, đám đông tụ tập đều thỏa mãn thói tò mò của mình, để có câu chuyện bàn tán và thể hiện khả năng nắm bắt thông tin khiến người khác phải nể phục. Qua đó cũng cho thấy với họ, "đạo đức chẳng bằng sự tò mò".
Một vụ tai nạn giao thông ở Bình Dương, hàng trăm người hiếu kỳ đứng xem, quay clip, thậm chí livestreamẢnh: Trọng Đệ
Tăng cường tuyên truyền
Trước hết, các cá nhân phải thay đổi và hoàn thiện bản thân để có "hành động duy lý". Thay vì tụ tập thỏa mãn tính tò mò, có thể hành động theo các vị trí xã hội mà mình có. Ví dụ: có thể giúp đỡ nạn nhân; bảo vệ hiện trường; giúp cho các cơ quan ban, ngành, chính quyền có thể giải quyết sự việc một cách an toàn...
Về phía gia đình, nhà trường cũng cần phải giáo dục cho trẻ biết cư xử chừng mực. Trước một sự kiện, một tai nạn trên đường, cần phải làm gì, gọi cho ai, giúp đỡ người bị nạn thế nào…, chứ không phải đứng xem rồi bàn tán vô bổ, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Tuyệt đối không tụ tập ở những nơi mà cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy hiểm...
Các phương tiện truyền thông cần tuyên truyền về hậu quả của việc đám đông tụ tập để tác động một cách có hệ thống, dài hạn đến mọi người nhằm thay đổi hành vi tụ tập thiếu ý thức. Pháp luật cũng cần có các quy định về giải tán các đám đông tập trung xem các vụ tai nạn, những vụ việc nguy hiểm... và có chế tài mạnh mẽ hơn. Có như vậy mới mong hạn chế những kiểu tụ tập vì hiếu kỳ bất cứ lúc nào, bất cứ sự việc gì của một số đông người.
Bạn đọc Đức Huy:
Giáo dục đóng vai trò quan trọng
Đi trên đường, không khó để bắt gặp hình ảnh phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe trên lề đường, đậu xe trên vạch dành cho người đi bộ ở các giao lộ... Một trong những lý do biện hộ cho những hành vi vi phạm luật giao thông là "trễ giờ, cần phải đi nhanh". Càng khó hiểu hơn khi rất nhiều người bận rộn đến vậy, tận dụng từng giây từng phút trên đường như thế nhưng hễ có một vụ tai nạn xảy ra, lập tức họ sẵn sàng tụ tập hàng giờ để "hóng" chuyện và chỉ chịu rời đi khi hiện trường được xử lý xong.
Suy từ bản thân mình, có thể khẳng định từ nhỏ tôi đã được dạy dỗ để khi di chuyển trên đường thấy chuyện "lùm xùm" đông người thì chọn giải pháp "lách" qua và đi luôn, không sa đà dừng lại tò mò dòm ngó, hóng chuyện, bàn tán. Dĩ nhiên, với những chuyện xảy ra nơi công cộng, trong khả năng của mình, tôi sẵn sàng ra tay giúp đỡ, không né tránh. Một số thói quen khác tôi luôn duy trì nơi công cộng như dừng dưới vạch cho người đi bộ ở các giao lộ; không xả rác ra đường, không phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ... Những thói quen này được hình thành từ nhỏ, bởi sự dạy dỗ của thầy cô và ba mẹ. Nhờ vậy mà giúp tôi tránh được những rắc rối, phiền toái, thậm chí nguy hiểm trên đường.
Một vấn đề quan trọng khác là vai trò của cơ quan chức năng liên quan. Thực tế không ít sự cố xảy ra nơi công cộng nhưng sự can thiệp của cơ quan chức năng còn chậm, thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả. Dễ thấy nhiều vụ tai nạn, thay vì phong tỏa hiện trường ở một khoảng cách vừa đủ bằng những phương tiện thích hợp (rào chắn di động); quyết liệt điều phối, giải tán số người hiếu kỳ thì lực lượng chức năng thường can thiệp "quá hiền", thậm chí một số cá nhân có nhiệm vụ bảo vệ hiện trường thì chỉ đứng cho có và cũng chờ "hóng" chuyện đang giải quyết bên trong. Ở nhiều nước, khi có sự cố nơi công cộng, lực lượng chức năng triển khai rất chuyên nghiệp. Mọi hoạt động gây trở ngại, ảnh hưởng đến việc xử lý, khắc phục hiện trường đều bị xử lý tới nơi tới chốn.
Chỉ khi kết hợp các biện pháp giáo dục và quy định pháp luật thì mới mong hạn chế được tật xấu này.
Bình luận (0)