Đầu bạc khóc tuổi xanh
Trong ngôi nhà nhỏ ấy, đôi mắt người cha hướng nhìn xa xăm, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi trên khuôn mặt già nua. Quá khứ về đứa con trai tội nghiệp, vắn số của ông lại dội về. Ông Trần Hữu Trọng (cha của anh Hiệp) nức nở khi kể về con: “Nó cả đời vất vả, lúc vừa tạm ổn định, ông trời lại nỡ bắt nó đi. Từ ngày sinh nó cho đến giờ, nhà có bao giờ thoát khỏi cảnh nghèo đâu. Năm nó sinh ra, cả làng đói, nó uống nước ngô, ăn cơm ngô rồi lớn lên. Được 5, 6 tuổi đã phải theo bố mẹ ra đồng làm ruộng”.
Ông ngậm ngùi cho biết: Ngày nào nghỉ học thì anh Hiệp phải ra đồng. Bởi thế nên khi 14, 15 tuổi, Hiệp đã biết cày, cấy như người lớn. Cuộc sống quá vất vả nên anh quyết tâm đi học. “Nó bảo với chúng tôi là bố mẹ cứ để con đi học, bố mẹ cho con được đồng nào thì cho, phần còn lại con tự đi làm thêm để trang trải việc học. Ở nhà làm ruộng thì cả đời chẳng thoát được nghèo đói…” - ông Trọng nhớ về con.
Trái tim nhân ái
Anh Hiệp sinh ra trong gia đình có 3 người con trai, Hiệp là con út và là người được bố mẹ kỳ vọng nhất bởi anh có chí học hành. Tự mình lam lũ, vật lộn mưu sinh để học. Khốn khổ mãi rồi anh cũng học xong Trường Cao đẳng Hóa chất Việt Trì. Anh bôn ba tìm việc ở Hà Nội, TP HCM và cuối cùng làm việc cho Công ty Sản xuất ống nước dầu khí Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Xuân, hàng xóm của anh Hiệp, ngậm ngùi: “Trước đây, khi còn đi học phổ thông, nó là đứa lanh lợi chịu khó nhất xóm. Hồi học lớp 9, lớp 10 mà đi cấy thuê thì con gái làng này không ai đuổi kịp. Tuổi thơ của cháu nó khó khăn, giờ ổn định được một chút thì lại như vậy, dù không phải là người ruột thịt nhưng tôi cũng thương cháu nó lắm”.
Nói về chàng thanh niên trai trẻ quên mình để cứu người trong hoạn nạn, chị Lê Thị Nhung, Bí thư Xã đoàn Thạch Long, cho rằng sự ra đi của Hiệp khiến địa phương đau đớn nhưng tự hào khi xã có một người như anh. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã, tới các trường, các em thiếu niên nhi đồng về hành động dũng cảm của anh để các em học tập noi theo” - chị Nhung cho biết. Đứng giữa sự sống và cái chết, anh đã chọn cái chết cho người khác được sống để rồi bỏ lại cả một tương lai mà anh nhọc nhằn xây dựng. Có lẽ trong giây phút đó, anh đã nghĩ đến những điều ấy nhưng anh đã chọn cách hy sinh vì người khác.
Báo Người Lao Động hỗ trợ gia đình anh Hiệp Chiều 7-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến thăm và trao số tiền 10 triệu đồng cho gia đình anh Trần Hữu Hiệp. Bà Nguyễn Thị Thìn, mẹ anh Hiệp, vẫn đang còn mê man kể từ ngày nhận tin dữ. Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt, bàn tay gầy nhăn nheo của người đàn bà một đời lam lũ, chúng tôi không khỏi xúc động. Nhận số tiền hỗ trợ từ Báo Người Lao Động, ông Trần Hữu Trọng (bố của anh Hiệp) ngậm ngùi: “Trong lúc tang thương ập xuống, gia đình tôi rất đau khổ nhưng cũng thấy ấm lòng khi các cấp chính quyền, các đoàn thể và quý báo luôn ở bên động viên gia đình tôi”. |
Bình luận (0)