Liên quan đến việc TP Hội An có chủ trương cấm cán bộ, công chức nhận phong bì, ngày 12-8, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc cấm nhận phong bì đối với công chức đã có quy định từ lâu. Chủ trương này từ trung ương đưa xuống nhưng từ đó đến nay không được nhắc đến nhiều.
Rốt ráo thực hiện
Ông Lê Phước Thanh cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn nên cần phải nhân rộng. TP Hội An nhắc lại vấn đề này đã tạo một hiệu ứng tốt trong xã hội, UBND tỉnh rất khuyến khích và ủng hộ cách làm trên. “Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan nhân rộng chủ trương này. Điều quan trọng là làm thế nào để có biện pháp mạnh nhằm hạn chế việc cán bộ, công chức nhận phong bì” - ông Thanh nói.
Tâm đắc với cách làm trên, ông Lê Minh Huấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ trước đến giờ, ở Quảng Ngãi dù chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nhưng tuyệt đối nghiêm cấm việc nhận phong bì, tiền lót tay trong quá trình thực hiện công vụ. Cán bộ nào vi phạm điều này sẽ tùy mức độ mà xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Thực tế, tại Quảng Ngãi cũng như nhiều địa phương khác vẫn còn không ít trường hợp cán bộ nhận phong bì, tiền lót tay khi thực hiện công vụ. Đặc biệt, tình trạng nhận phong bì của người dân, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính cấp xã, phường diễn ra khá công khai.
Ngành y tế thời gian qua cũng khá “nóng” với tình trạng y - bác sĩ nhận phong bì. Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhiều lần đề cập vấn nạn này và từng nhấn mạnh về việc bác sĩ phải cương quyết không nhận phong bì, bệnh nhân và người nhà cũng không đưa phong bì. Vị bộ trưởng này đã chỉ đạo lập đường dây nóng nhằm chấn chỉnh những vấn đề vi phạm về y đức trong y tế công.
Nêu rõ chế tài
Thừa nhận rằng sẽ học hỏi, ứng dụng vào thực tế chủ trương của TP Hội An nhưng ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, băn khoăn: Cách làm của TP Hội An xem ra khó khả thi vì không nêu rõ chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm và việc giám sát gặp nhiều khó khăn. “Việc cán bộ sách nhiễu, vòi vĩnh khi làm việc với người dân thì từ trước đến nay đều cấm. Còn người dân bồi dưỡng cho cán bộ sau khi giải quyết xong công việc trong trường hợp cán bộ không có thái độ vòi vĩnh, sách nhiễu thì không sai. Đó là vấn đề tình cảm mà người Việt Nam xưa nay đều có vì mục đích cảm ơn, động viên. Nhưng nếu cấm cả việc này thì không ổn vì người dân tới nhà cán bộ để cảm ơn thì sao?” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Theo ông Tuấn, hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ sách nhiễu, vòi vĩnh mà chưa thể xử lý được. Những cán bộ này lợi dụng việc thủ tục hành chính hiện đang còn rườm rà, trong khi người dân thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật nên sách nhiễu. Để xóa được vấn nạn này, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà, thực hiện nhanh chóng đề án “Chính phủ điện tử”. “Nếu tất cả thủ tục đều được giải quyết qua mạng thì không có lý do gì mà cán bộ nhũng nhiễu được dân. Mặt khác, cũng phải nâng cao thu nhập cho cán bộ, bảo đảm cuộc sống của họ” - ông Tuấn nói.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết dù rất quyết liệt trong thời gian qua nhưng thông tin từ đường dây nóng của bộ cho thấy bên cạnh vấn đề quá tải bệnh viện thì việc một số thầy thuốc có thái độ ứng xử, giao tiếp thiếu tính chuyên nghiệp, tỏ thái độ ban ơn đối với người bệnh cũng còn xảy ra. Một số y - bác sĩ còn vòi vĩnh, gợi ý, gây khó khăn để người bệnh phải cầu cạnh, nhờ vả; thậm chí công khai gợi ý bồi dưỡng “phong bì” trước khi chữa bệnh.
Lập đường dây nóng cải cách hành chính
UBND tỉnh Quảng Nam vừa công bố đường dây nóng cải cách hành chính với 2 số điện thoại: Cố định (tiếp nhận thông tin trong giờ làm việc): 0510.3833199 - Phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam; di động (từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật): 0914065627. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ phản ánh, kiến nghị về cải cách hành chính qua địa chỉ thư điện tử: cchcquangnam@gmail.com.
Kênh thông tin đường đây nóng cải cách hành chính tỉnh Quảng Nam tiếp nhận, giải quyết những vướng mắc cụ thể trong thực hiện các thủ tục hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức, như: Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm... Người cung cấp thông tin sẽ được giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh và sẽ được phản hồi kết quả xử lý.
V.Hai
Ông Hồ Gia Khang, chủ doanh nghiệp tại quận 11, TP HCM:
Chẳng mấy ai tự nguyện
Một số cán bộ cho rằng họ cũng không muốn nhận phong bì của người dân. Mỗi khi cầm phong bì cũng thấy “nhọ” lắm nhưng người dân đưa không nhận cũng kỳ. Thực tế, tuy có những trường hợp này nhưng quá hiếm hoi. Chẳng mấy ai tự nguyện đưa phong bì cả, chẳng qua là nếu không đưa thì sợ bị làm khó hoặc chắc chắn bị làm khó nên phải đưa. Từ việc nhỏ đến việc lớn, khi cần thì không có phong bì là không xong: làm giấy khai sinh cho con, xin giấy tạm trú tạm vắng, chứng thực giấy tờ tùy thân cho đến việc xin giấy phép kinh doanh, xây dựng nhà...
Cách trao và nhận phong bì cũng muôn hình vạn trạng. Nhẹ nhàng thì kẹp vào hồ sơ hay dúi vào túi, còn không thì giá cả có sẵn, công khai đưa hoặc mời đi ăn nhậu rồi mới đưa. Thậm chí, có nơi chỉ chậm đưa phong bì chút xíu là bị hành hạ đủ điều để chừng nào xì ra mới thôi. Vấn đề phục vụ người dân là trách nhiệm của các cơ quan công quyền nhưng nạn phong bì đã phổ biến đến nỗi trở thành trách nhiệm của người dân.
Ông Đinh Văn Tiễn (quận 4, TP HCM):
Xây cái nhà, đưa phong bì gần 20 lần
Nhiều cán bộ cứ nói rằng người dân không nên đưa phong bì khi làm việc với cơ quan công quyền, đừng tạo thói quen nhận phong bì làm hư cán bộ... Nhưng hỡi ôi, có ai muốn quỳ lụy, đút lót đâu. Tôi xây cái nhà có hơn 30 m2 trong một con hẻm cụt. Từ khi xin giấy phép xây dựng đã phải liên tục đưa phong bì. Nếu không có khoản này thì chẳng biết bao giờ mời có được giấy phép xây dựng.
Vừa đập cái tường là đã có cán bộ địa chính phường đến “hỏi thăm”, săm soi đủ kiểu, chỉ ra hằng hà sa số vi phạm. Có cái phong bì thì mọi chuyện mới tạm yên. Đổ đống cát sát mép nhà thì có người trên phường xuống cho biết đã lấn lối đi chung, lại phải phong bì. Trong quá trình xây thì cán bộ địa chính phường cùng quận xuống kiểm tra nào là bản vẽ, giấy phép xây dựng, đo diện tích... Cứ thế, mỗi lần đến là một lần đưa phong bì. Chủ nhà có trốn đi đâu cũng không thoát. Thậm chí, có lần cán bộ địa chính nói thẳng: “Anh giúp em cái phong bì, cuối quý rồi nhưng chưa đủ chỉ tiêu”. Thật không hiểu nổi trong chuyện này mà cũng có chỉ tiêu. Xây xong căn nhà tổng cộng đưa phong bì gần 20 lần, mỗi lần là 500.000 đồng.
Ông Hoàng Văn Hoàng, cán bộ về hưu tại quận 1, TP HCM:
Chấm dứt đi cho dân nhờ
Nạn phong bì diễn ra từ bao nhiêu năm qua, ai cũng thấy, ai cũng biết nên đừng viện bất cứ lý do gì để ngụy biện cho vấn đề này. Bản chất của nó là một dạng tham nhũng và đã làm khó biết bao người dân khi đến cửa công. Người dân bức xúc nhưng thật khó để có thể tố cáo hoặc vạch trần hành vi này.
Nếu các cơ quan chức năng muốn tiêu trừ vấn nạn này thì nào có khó. Cái khó là không quyết tâm làm mà thôi. Chúng ta cứ cho là vặt vãnh và cũng ít nhiều tạo tâm lý phấn khởi khi làm việc của cán bộ, công chức nên ậm ừ cho qua. Lâu dần hành vi đáng trách và vi phạm pháp luật này trở thành bình thường. Sự bình thường này thật bất thường và tất nhiên lâu dần nó đã trở thành “thủ tục” xấu xí, nhuốm đen tinh thần trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.
Hiếu Nghi ghi
Theo bạn, có cấm được nạn đưa và nhận phong bì hay không?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)