xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nói không với nạn phong bì: Mạnh tay xử cán bộ vi phạm

DUY QUỐC - THẾ KHA

Nạn phong bì trong cán bộ, công chức xảy ra từ lâu, tác động tiêu cực đến xã hội, làm xấu hình ảnh đất nước

Câu chuyện phong bì trong cán bộ, công chức thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc tuần qua. Hàng trăm bạn đọc đã ý kiến về diễn đàn Nói không với nạn phong bì và tranh luận sôi nổi. Đại diện chính quyền các địa phương, lãnh đạo các cấp - ngành, các chuyên gia cũng đăng đàn, lên án và mong muốn xóa bỏ tệ trạng này.

Trục lợi

Trong ngày 15-8, diễn đàn Nói không với nạn phong bì tiếp tục nhận được nhiều câu chuyện về nạn vòi vĩnh tiền bồi dưỡng. Bạn đọc Phạm Mai kể: “Ngày 11-8-2014, tôi lên UBND phường xin đổi tên cho 2 con vì trùng tên nhau. Cán bộ phường không chịu, cho rằng khi nào tên quá xấu hoặc trùng tên với ông bà, cha mẹ thì mới được thay đổi. Tôi lên phòng tư pháp quận, họ đẩy xuống, nói là việc của phường... Tôi bị đẩy tới đẩy lui và cuối cùng đẩy ra gặp... anh bảo vệ. Tôi phải đưa phong bì thì việc đổi tên cho con mới được giải quyết”.

Phục vụ người dân là trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ Ảnh: TẤN THẠNH
Phục vụ người dân là trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ Ảnh: TẤN THẠNH

Một doanh nhân ở Nhật Bản có nick Kurosawa thuật lại: “Cách nay 2 tháng, tôi có nhận được lá thư của một người bạn ở Việt Nam, nói rằng nếu không lo lót thì việc làm thủ tục thành lập doanh nghiệp sẽ không chạy. Tôi đã bỏ tiền chạy chọt, nay công việc đã thông nhưng không biết trong tương lai có còn bị làm khó nữa không”.

Bằng chính câu chuyện của người trong cuộc, rất đông bạn đọc khi gửi góp ý về diễn đàn đều cho rằng một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thói nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ là do lương thấp và luật pháp không nghiêm minh. Bạn đọc Phạm Mai cho rằng vì lương thấp nên họ tìm cách trục lợi, gây khó dễ cho người dân để được lợi cho mình, có thêm thu nhập ngoài luồng, cải thiện điều kiện vật chất.

Xem tệ trạng đưa - nhận phong bì xảy ra khá phổ biến, ở nhiều cấp độ, TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự thuộc Học viện Hành chính quốc gia, nhìn nhận rằng những chỗ nào “có cơ hội”, lắm quyền, thủ tục hành chính nhiều… thì thường bị người dân kêu ca về chuyện phải “bôi trơn mới chạy”, thậm chí “bôi trơn” rồi còn không chịu chạy. Ai muốn được việc cũng “chạy”. Ông nhấn mạnh: “Việc nhận “phong bì” đã nói quá nhiều, nói mãi, cấm mãi rồi nhưng không có thay đổi, không triệt tiêu được”.

Hãy giúp dân... bớt nhức đầu!

Không phải ngẫu nhiên mà việc Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam ban hành lệnh cấm cán bộ, công chức nhận phong bì khi thực hiện công vụ thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Tệ trạng phong bì đã xảy ra từ lâu, gây bao phiền hà đối với người dân, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, hoạt động của doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và làm xấu hình ảnh quốc gia. Chính vì vậy, người dân kỳ vọng chính quyền TP Hội An hay bất kỳ địa phương nào khác phải nói được, làm được, nghiêm trị, để các công bộc làm đúng chức phận của mình.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân không còn bị trói buộc bởi nạn phong bì, mà nói như GS Hà Tôn Vinh: “Không còn phải chịu cảnh chấp nhận hối lộ để đỡ nhức đầu, đỡ mất thời giờ và coi đây là một chi phí kinh doanh bắt buộc”? Kết quả thăm dò ý kiến được tổ chức lồng ghép với diễn đàn này cho thấy người dân rất hoan nghênh với việc chặn nạn phong bì nhưng không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng sẽ dẹp bỏ được. Bạn đọc Lý Nam cho rằng sẽ không bao giờ dẹp bỏ được nạn phong bì nếu các địa phương, bộ - ngành cứ hô hào mà không có biện pháp, giải pháp ngăn chặn từ gốc. Cứ như thế người dân khó thoát ra khỏi vòng kim cô do mình tự gắn lên đầu, để rồi cứ nhức đầu mãi!

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ - đồng tình với ý kiến của GS Hà Tôn Vinh là phải hành động thực tế, minh bạch và quyết liệt trong việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm, nhũng nhiễu. “Pháp luật hiện hành nghiêm cấm cán bộ, công chức lợi dụng công việc, chức vụ để trục lợi, nhũng nhiễu, nhận phong bì, quà tặng. Do vậy, cán bộ, công chức nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm chứ nói mà không làm thì chẳng khác gì hô hào cho có” - ông Cương nói.

TS Ngô Thành Can góp ý thêm: Cán bộ, công chức nào bị phát hiện nhũng nhiễu thì nên cách chức, đuổi việc ngay. Tuy nhiên, để làm được việc này thì lương của cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm cuộc sống. “Nếu đã sống được bằng lương và có chế tài nghiêm đối với việc nhận quà tặng, nhận phong bì thì tôi nghĩ công chức sẽ không dám vì một cái phong bì vặt vãnh mà mất việc, bị đuổi khỏi ngành đâu” - ông Can bày tỏ.

75% ý kiến không tin sẽ chống được nạn phong bì

Cùng với diễn đàn Nói không với nạn phong bì, Báo Người Lao Động đã tổ chức thăm dò ý kiến bạn đọc. Với câu hỏi đặt ra “Có cấm được nạn đưa và nhận phong bì hay không?”, trong số 574 ý kiến thu về (tính đến 14 giờ 30 phút ngày 15-8), chỉ có 11% ý kiến cho là có thể, 14% nói có nhưng mức độ hạn chế, trong khi có đến 75% cho rằng hoàn toàn không. Kết quả trên cho thấy niềm tin của người dân vào nỗ lực ngăn chặn tệ trạng đưa và nhận phong bì không cao... D.Quốc

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo