Hơn 30 năm làm việc tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Phi, trong đầu tôi không có khái niệm đưa - nhận phong bì. Nhưng 18 năm qua, khi từ Mỹ trở về Việt Nam sinh sống, chuyện bị nhũng nhiễu, bị vòi phong bì đã xảy ra nhiều lần với tôi. Nhiều đồng nghiệp hay thân hữu của tôi cũng cùng cảnh ngộ.
“Đẳng cấp” phong bì
Ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, không có kiểu "văn hóa phong bì" như ở Việt Nam. Các tệ nạn nhũng nhiễu, hối lộ và tham nhũng luôn được điều tra kỹ càng, xử lý rất nhanh và triệt để vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp (DN) và quốc gia. DN có thể bị loại ngay khỏi các hợp đồng kinh doanh, các thương vụ hiện tại và tương lai. Quốc gia có nhiều tệ nạn hối lộ, tham nhũng sẽ thiệt hại lớn hơn khi bị các tổ chức đánh giá uy tín và tín dụng thấp, kéo theo việc sẽ phải vay nợ với lãi suất rất cao hay trái phiếu của chính phủ sẽ khó bán ra hơn.
Thực ra, việc kiếm thêm thu nhập từ các hoạt động hợp pháp, ngoài giờ, phù hợp với khả năng là chuyện đáng khuyến khích và cũng thường thấy ở các nước phát triển, nhất là ở nhiều tổ chức hay DN có mức lương thấp. Mức lương thấp thường được bù đắp bằng các phúc lợi khác như được trả thêm bằng cổ phiếu, cơ hội được học tập hay đào tạo nâng cao, các hoạt động hay dịch vụ dành cho gia đình, con cái... Nhưng ở Việt Nam, lương bổng và phúc lợi của nhiều cán bộ, công chức khá thấp so với giá sinh hoạt và nhu cầu cơ bản của họ. Vì lương thấp mới sinh ra chuyện “kiếm thêm”, lợi dụng chức vụ, công việc để trục lợi. Điều này thường đưa đến “văn hóa phong bì” và cơ chế “xin - cho”. Lãnh đạo, công chức quản lý hay cán bộ thay vì là những người được chọn để phục vụ thì lại trở thành những người ban phát đặc ân hay có quyền hạch sách và đòi hỏi.
Nhưng không chỉ cán bộ, công chức lương thấp mới đòi phong bì. Nhiều người có chức vụ càng cao, lương bổng càng nhiều thì nhận phong bì càng lớn hơn và chiếc phong bì bị biến tướng thành những khoản tiền chuyển khoản, những suất cho con đi du học hoặc bố trí cho nền đất... Nói cách khác, nhiều người có chức vụ cao thường nghĩ các khoản tiền hay thù lao phải cao, mới xứng đáng với chức vụ, công việc và “đặc ân” họ ban phát mặc dù những “đặc ân” đó là trách nhiệm họ phải làm. Người dân không ai muốn hối lộ hay bị làm khó dễ. Họ chấp nhận hối lộ để đỡ nhức đầu, đỡ mất thời giờ và coi đây là một chi phí kinh doanh bắt buộc.
Đừng “đánh trống bỏ dùi”
Tôi cho rằng nếu những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ được xử lý mau chóng và triệt để sẽ tạo một làn sóng, luồng sinh khí mới. Khi đó, người dân sẽ không còn sợ bị ép buộc và phải chi trả cho những khoản không có trong kế hoạch hay ngoài luồng. Các lãnh đạo, cán bộ, công chức lúc đó sẽ phải tận dụng khả năng, trí tuệ để làm việc và được đề bạt thăng tiến. Một tổ chức hay một quốc gia với những công bộc như thế chắc chắn sẽ thành công, tiến bộ và phát triển bền vững.
Chức vụ càng cao, phong bì muốn nhận càng lớn
Về nguyên tắc, các hoạt động hành chính công phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia, tạo điều kiện cho DN hoạt động, tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi các thủ tục hành chính, các dịch vụ công ích được cung cấp thuận tiện và mau chóng, các bảng biểu chi phí và thời gian phục vụ hay ngày giờ trao trả hồ sơ, giấy phép được công bố rộng rãi và rõ ràng thì cơ hội nhũng nhiễu người dân sẽ ít đi và tệ nạn phong bì hay hối lộ sẽ dần dần bị đẩy lùi. DN sẽ có thêm thời gian và được giảm bớt chi phí để toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh. Việc minh bạch hóa các hoạt động công ích, thủ tục hành chính, các chi phí sẽ tốt hơn nữa nếu có những đường dây nóng để người dân có cơ hội phản hồi, đóng góp ý kiến, phê bình thái độ phục vụ.
Báo chí mấy ngày qua hoan nghênh chính quyền TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ban hành lệnh cấm cán bộ, công chức nhận phong bì khi thi hành công vụ nhưng dư luận cũng đặt ra nhiều băn khoăn bởi việc nói không với tham nhũng từ trước đến nay vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn. Muốn dẹp được nạn phong bì, Hội An hay bất kỳ địa phương, bộ, ngành nào cũng cần phải hành động thực tế, minh bạch và quyết liệt chứ đừng “đánh trống bỏ dùi”. Chỉ cần một lời nói đi đôi với một việc làm, dù nhỏ, sẽ là khởi đầu mới cho một văn hóa lành mạnh và trong sáng hơn.
Với một địa danh du lịch đang thu hút nhiều khách quốc tế, Hội An nếu nói không với nạn phong bì sẽ là nơi loan truyền ra thế giới một Việt Nam thân thiện, trong sáng và đẳng cấp hơn. Phép thử của Hội An cũng như của Việt Nam sẽ là châm ngôn và mục tiêu: “Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-8
Giáo sư Hà Tôn Vinh: “Nói thật là tôi rất khó khăn mới “hòa nhập” được với môi trường tại Việt Nam. Việc không chấp nhận đút lót hay hối lộ, nhỏ hay lớn, đã đem đến nhiều khó khăn hay hệ lụy cho công việc tôi làm. Tôi bị mất thêm nhiều thời gian và thỉnh thoảng mất cơ hội kinh doanh”.
Theo bạn, có cấm được nạn đưa và nhận phong bì hay không?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)