Không người thân, không nhà cửa, tật nguyền, đau bệnh là điểm chung của những người sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM). Thế nhưng, trên những khuôn mặt khắc khổ ấy vẫn nở nụ cười. Vì ở đây, họ được chăm lo, săn sóc bằng sự kiên nhẫn, chu đáo, đầy tình yêu thương của cộng đồng, đặc biệt là những người trực tiếp nuôi dưỡng. Họ không hề bị lãng quên!
Những phận đời khốn khổ
51 tuổi, bà Hương có nhiều bệnh lý nền, nặng nhất là bệnh dạ dày và xương khớp làm bà đau nhức triền miên. Dù vậy, ở khu bại liệt nữ này, bà được xem là "khỏe" nhất.
Bà Hương quê ở Quảng Nam. Năm 14 tuổi, khi đang học bổ túc văn hóa lớp 6 thì mẹ mất, bà bị họ hàng đuổi khỏi nhà. Kể từ đó, bà Hương sống lang thang khắp nơi, rồi "dạt" vào TP HCM làm mướn, nhặt ve chai kiếm sống. Hôm nào không kiếm được tiền, bà trở về góc bùng binh Quách Thị Trang (cũ) nằm queo quắt với chiếc bụng đói cồn cào. Thi thoảng có người đi chợ ngang qua, thương tình mua cho hộp cơm, tấm bánh. Tắm giặt ở nhà vệ sinh công cộng, cũng không ai nỡ lấy tiền. Trên người có độc bộ quần áo, tắm xong phải tranh thủ vắt khô để mặc lại. Lâu ngày, bộ đồ duy nhất đó cũng rách nát.
Các cụ già tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc. Ảnh: TẤN THẠNH
"Lần đó, có người ở chợ Bến Thành bị móc túi, thấy tôi rách rưới, đen đúa, họ nghi ngờ, bắt tôi lại giữa chợ lục soát khắp người. Tìm không có, họ vẫn liếc dọc, liếc ngang dò xét cho đến khi tôi đi khuất mới thôi. Tôi mặc cảm, thấy người ta cho đồ từ thiện cũng không dám tới gần" - bà Hương buồn buồn kể.
Cũng buồn hiu hắt như chuyện của bà Hương, ông Thành (71 tuổi) ở khu bại liệt nam đã sống đời lang bạt hơn 20 năm. Trước đây, ông làm nghề bốc xếp ở cảng Sài Gòn, trọ ở quận 4. Năm 1982, vợ chồng lục đục, ông ôm nỗi buồn bỏ đi biền biệt. Những tháng ngày sống cảnh "màn trời chiếu đất" khiến ông bị cơn tai biến quật ngã, liệt nửa người bên trái. Vào trung tâm được chạy chữa gần 1 năm, ông mới tự di chuyển được. Đến nay, ông Thành đã sống gần 10 năm tại trung tâm bảo trợ xã hội này.
Không phải sống hơn mấy mươi năm lang bạt nhưng câu chuyện của cụ Dậu cũng thật nhiều xót xa. Ở tuổi 85, cụ được chính quyền đưa vào trung tâm lần thứ 2. Lần đầu tiên là tháng 10-2019, một tháng sau đó, cụ được con gái đón về chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Thanh Vy, nhân viên điều dưỡng, kể: "Lần thứ 2 cụ vào đây, tôi hỏi vì sao cứ bỏ nhà đi lang thang, cụ kể ở nhà bị con rể đánh hoài, chịu không nổi". Chị Vy thử dỗ dành cụ về nhà với con gái nhưng cụ nắm chặt tay thủ thỉ: "Tôi nhớ cháu ngoại lắm nhưng về nhà cứ bị con rể đánh, tôi sợ. Cho tôi ở lại nghe, tôi ở đây được các cô chăm sóc, tôi cảm ơn nhiều lắm!". Không máu mủ, ruột rà nhưng nghe cụ nói, chị Vy thương như đứt từng khúc ruột.
Mối ân tình
Đó là những phần ký ức không vui, thậm chí ám ảnh nhiều người. Thế nhưng bây giờ, đối với bà Hương, ông Thành hay cụ Dậu..., những ngày đói ăn, lang bạt, "dầm mưa, dãi nắng", những tủi phận vì bị người dưng nghi kỵ, con cái ghẻ lạnh... đã qua. Tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, hằng ngày họ được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Hơn ai hết, họ hiểu rõ và biết ơn sự chăm sóc đầy trách nhiệm và tình cảm của đội ngũ y - bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây. "Chăm sóc người bại liệt đã khó, chăm sóc người bại liệt cao tuổi, có vấn đề về tinh thần, mất kiểm soát hành vi càng khó gấp nhiều lần. Bị chửi mắng, ngắt, nhéo, cấu vào tay đến bật máu là bình thường. Nếu không có lòng yêu thương, chắc chắn không thể gắn bó lâu dài với công việc" - chị Vy tâm sự.
Với sự chăm sóc ân cần, hy sinh thầm lặng ấy, nhiều bệnh nhân đã dần cảm mến, trân quý họ như người thân. "Những người tỉnh táo hơn, họ thường tâm sự, kể chuyện quá khứ cho chúng tôi nghe. Những người có vấn đề về tinh thần cũng dần thân quen và hợp tác hơn" - anh Nguyễn Trọng Phát, nhân viên hộ lý tại khu bại liệt nam, kể.
Sáng 14-5, tiếp đoàn chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc, cho biết trung tâm đang nuôi dưỡng 282 trường hợp bại liệt (từ 20 đến hơn 100 tuổi), nhiều người có vấn đề về tinh thần, thiểu năng, thậm chí bại não. Do không có chức năng chữa trị tại chỗ nên các bệnh nhân trở nặng phải đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định và phải có ít nhất một nhân viên đi cùng chăm sóc, trong khi đó số lượng cán bộ, nhân viên và người lao động chỉ có 110 người.
"Một thực tế nữa là kinh phí của đơn vị không thể bảo đảm tốt nhất đời sống của những đối tượng ở đây nhưng do là cơ sở công lập nên cũng ít được các nhà hảo tâm để ý. Vì thế, những món quà hôm nay do Báo Người Lao Động đem đến có ý nghĩa rất lớn đối với trung tâm. Xin cám ơn các nhà hảo tâm và Báo Người Lao Động" - ông Huỳnh Thanh Tâm nói.
Nguồn sống của các con
Sáng 14-5, Báo Người Lao Động đã đến thăm và tặng 1 tấn gạo, 1.000 quả trứng gà và nhiều thùng mì tôm, phở, đồ hộp... cho Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12) và chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp). Chuyến đi này tiếp nối chương trình "ATM thực phẩm miễn phí" do Báo Người Lao Động phát động, tổ chức.
Sư thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (nơi đang nuôi dưỡng 246 em nhỏ mồ côi, trong đó có 106 em là trẻ khuyết tật), trải lòng: "Chúng tôi rất xúc động khi được nhiều nhà hảo tâm thông qua Báo Người Lao Động gửi gạo, thực phẩm để hỗ trợ chăm sóc cho các con. Đây là nguồn sống của các con".
Bình luận (0)