Thử nhìn nhận và làm phép so sánh để thấy càng lớn, người ta càng khó cười. Trẻ em có thể cười từ 100 đến vài trăm lần mỗi ngày. Người trưởng thành chỉ cười bằng khoảng 10%-20% so với trẻ em. Vì sao thế?
Nụ cười đồng cảm và phản cảm
Thực tế cho thấy nụ cười là một phương tiện giao tiếp khá hữu hiệu. Người ta cười vì muốn xã giao, cười để động viên và thậm chí để tạo ra sự quyến rũ người khác. Người ta cười vì quá nhiều lý do nhưng chắc chắn một điều rằng nụ cười làm giàu cho người phát và người nhận. Nụ cười của bạn càng đẹp hơn nếu được cười thật sảng khoái, được người khác đón nhận một cách rất nhẹ nhàng và thân thiện. Không thể có được sự thăng hoa của nụ cười nếu ta dễ dàng sằng sặc cười, cười một mình trong cô đơn, cười giả dối hay cười bằng sự vô tư quá đáng…
Những quy chuẩn của nụ cười không phải được định tính hoặc định lượng một cách khô cứng. Nhưng chắc chắn nụ cười xuất phát từ sự chân thành là điều cần thiết. Sự chân thành chỉ diễn ra khi chính bạn cười bằng sự tương tác cảm xúc tích cực. Bên cạnh đó, nụ cười sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu bạn không vô cảm. Đó là nụ cười được đặt đúng chỗ, đúng nơi và thể hiện sự kiểm soát tương đối.
Sẽ có nhiều lý lẽ để bảo vệ cho nụ cười nguyên thủy hay nụ cười ầm ào của một ai đó nhưng cần hiểu rằng đằng sau nụ cười là cả văn hóa của chúng ta. Đằng sau nụ cười là giọt nước mắt của người khác, một số phận của người khác và thậm chí là nỗi đau của nhiều người… thì dù có biện hộ thế nào đi chăng nữa cũng khó có thể chấp nhận được.
Có bao giờ bạn cảm thấy mình lạc lõng giữa đám đông khi bạn cười hô hố một cách lập dị? Có bao giờ bạn cảm thấy bạn bị quá mức khi cứ cười khúc khích giữa một phòng thi đang nghiêm túc? Bạn vội vã đi ngang đám tang vẫn quay lại, nhìn vào chiếc hòm và cười. Hoặc giả nụ cười của bạn sẽ đặt trước những hình ảnh gầy còm của một cụ già hom hem, một em bé đang bơ vơ… Nụ cười đó của bạn sẽ đem đến điều gì cho người khác hoặc chính nó sẽ tạo cảm xúc gì trong tận cùng tâm khảm của con người?
Thể hiện văn hóa của mỗi người
Không phải ngẫu nhiên người ta gọi nụ cười là trang sức, mà còn là trang sức thật sự đẳng cấp. Bản thân vàng cũng chỉ là một thứ kim loại nhưng khi biến thành trang sức, nó tôn vinh vẻ đẹp của con người. Và nếu người ta quấn vàng hay “trét” vàng lên người không đúng cách thì chẳng còn là mình, thậm chí làm cho bản thân xấu hơn, thảm hại hơn. Nụ cười là một trang sức đặc biệt khi đó là một trang sức có văn hóa. Không vì thế mà con người trưởng thành ít cười đi, người ta ít vui hơn. Người ta có thể cười trong nước mắt, cười trong sự nén chặt hạnh phúc, cười trong sự vỡ òa để tiếng nấc bật lên thành tiếng ấn tượng và sâu sắc…
Nụ cười hàm chứa những giá trị văn hóa. Khi bạn sử dụng nụ cười hợp lý, nghĩa là bạn thể hiện văn hóa và cả bản lĩnh cuộc sống của chính mình hiệu quả. Bạn biết kiểm soát mình, biết đồng cảm, biết tương tác và biết hướng đến những giá trị mang tính nhân văn sâu sắc… Không hiếm trường hợp có thể bạn vẫn còn đôi chút vô tư hoặc có chút đáng yêu của thời trẻ tuổi. Nhưng đừng dễ dãi, biến mình thành người thiếu cân nhắc trong cuộc sống. Nếu muốn bản thân là người có bề dày văn hóa tương xứng với kinh nghiệm sống, bản lĩnh sống và cả hình ảnh của mình, đừng vô tư cười để rồi nụ cười ấy dễ bị trở thành sự cười cợt, vô cảm hoặc sự ngây ngô không đáng có…
Đừng “xi mạ” nụ cười
Nụ cười sẽ được nhân lên và kéo dài ra trong những trường hợp cần thiết và đúng lúc... Đó là trang sức đã được chế tác tinh xảo không phải bởi bàn tay, không phải bởi hóa chất mà bằng văn hóa đích thực của con người. Nếu nụ cười chỉ xinh tươi trên hình ảnh, hoa ngọc trên báo chí, không thật tâm thì cũng chỉ là nụ cười “xi mạ” khó tồn tại theo thời gian... Nụ cười xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng hướng đến người khác sẽ là nụ cười thật văn hóa, văn minh.
Bình luận (0)