Ngày rằm tháng Chín âm lịch, con nước triều cường dâng thật cao, đoạn Quốc lộ ngang cái thị trấn nhỏ hàng ngày tôi vẫn qua lại bị ngập đến nửa bánh xe. Trời đã tối, chiếc xe máy già nua của tôi cố bò chầm chậm trên con lộ mênh mông nước. Chiếc xe máy chạy trước mặt bỗng ngoặt đột ngột vào phía lề để tránh làn nước văng tung toé từ một chiếc ô tô chạy ngược chiều. Tôi phải thắng gấp để tránh va chạm, chiếc xe mất đà, khục khặc mấy cái rồi tắt máy. Chắc bị nước làm ướt bugi rồi, mệt tới nơi rồi!
Dắt xe lên chỗ vệ đường nước ngập lắp xắp, tôi cố đạp muốn rã bàn chân mà máy vẫn không chịu nổ. Không chỉ riêng xe tôi, có rất nhiều xe máy khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Có chiếc bị xì bánh, người lái và người đi cùng hì hụi đẩy xe trong con nước ngập gần tới gối.
Hàng loạt xe bị chết máy vì nước ngập
Tình cảnh lúc ấy thật bi đát, hai bên mé lộ rất nhiều người đẩy chiếc xe chết máy, xì vỏ của mình nặng nhọc từng bước dưới làn mưa nặng hạt. Hai bên đường lâu lâu mới có một căn nhà cửa nẻo đóng kín mít. Tìm đâu ra một tiệm sửa xe đây, nhất là lại vào giờ này? Ai nấy cũng đầy nỗi lo âu, đường còn xa quá, biết chừng nào mới tới nhà. Cố gượng cười an ủi người đàn ông đang đẩy xe cạnh bên: "Thôi ráng, bạn ơi", nói vậy chứ lòng tôi rối còn hơn tơ vò.
Phía xa thấy có ánh đèn điện sáng trước một căn nhà nhỏ bên đường. Có một người cầm chiếc đèn pin huơ huơ về phía đám người đang đẩy xe ra dấu. Cả đám người vội vã đẩy xe nhanh về phía đó. Đến nơi mới thấy có một nhóm thanh niên 5,6 người với đầy đủ đồ nghề sửa xe và có cả cái máy bơm hơi.
Một người đàn ông cao, gầy, tuổi độ trung niên lên tiếng: "Bà con xe ai bị chết máy hay lủng ruột dắt lên đây, tụi tui sửa cho". Nghe câu đó, thiệt mừng còn hơn trúng số. Người trung niên và mấy thanh niên hì hụi tháo bugi mấy chiếc xe chết máy ra thổi gió cho khô và cạy vỏ vá ruột mấy chiếc xe xẹp bánh.
Chỗ sửa xe là cái sân trước của một căn nhà nhỏ, có miếng vải bạt căng che mưa tạm bợ, điện thì kéo từ nhà đó ra. Bác chủ nhà rất tốt bụng, pha mấy bình trà nóng cho khách lỡ đường uống cho đỡ lạnh. Trời mưa lạnh, hớp ngụm trà nóng thấy thật ấm lòng.
Hỏi thăm, bác chủ nhà cho biết mấy người thợ này ở một tiệm sửa xe trong thị trấn, mỗi lần triều cường nước ngập, người trung niên (là chủ tiệm) và mấy người thợ phụ hay ra đây sửa xe cho khách mà không hề lấy tiền thù lao. Ông thấy vậy nên cho họ kéo điện xài nhờ cũng không lấy tiền. Ông nói: "Người ta làm phước, mình cũng góp phần chút đỉnh vô chớ!"
Che mưa sửa xe
Những chiếc xe đã sửa xong, chủ xe muốn gửi tiền thù lao, người trung niên xua tay: "Thôi đi đi, tụi tui làm giúp bà con lỡ đường thôi mà!".
Xe tôi cũng đã sửa xong, tôi lại gần người trung niên nói lời cám ơn và mời anh điếu thuốc, anh cười chất phác: "Có gì đâu, hồi trước có lúc tui khổ lắm, may mà có mấy người không quen biết giúp đỡ, tui mới được như giờ. Tui trả ơn họ không nhận, nên tui nghĩ ra cách mình giúp người khác cũng là đáp lại cái ơn ngày xưa mình đã thọ."
Nổ máy xe chạy đi, ngoái đầu nhìn lại cái bóng cao gầy vẫn đứng ở ven đường, tay cầm đèn pin huơ huơ ra dấu gọi những người xe bị chết máy khác, thấy lòng xúc động bồi hồi.
Cuộc sống bây giờ nhiều khó khăn, vất vả, ai nấy cũng chật vật bon chen lo cuộc sống của riêng mình, nên người ta ít còn quan tâm giúp đỡ người khác. Thật ấm lòng biết bao vì đời vẫn còn có những tấm lòng cao đẹp như người thợ kia. "Ở đời cần có một tấm lòng", phải rồi, nhưng không phải "để gió cuốn đi" mà để ta mở lòng ra cảm thông và giúp đỡ những ai trong cơn khốn khó.
Bình luận (0)