Đọc bài viết của chị Huệ Thi xong tôi rất bức xúc. Chị nói sau cơn bão, báo đài báo thiệt hại hàng tỉ, cứu trợ hàng tỉ này tỉ nọ nhưng rồi người dân chỉ nhận được mì tôm, gạo và nước mắm hóa chất. Chị có bao giờ tham gia một đoàn thiện nguyện đi cứu trợ hay đóng góp để tương trợ với những mảnh đời nghèo khó hay chưa để biết công việc của một người thiện nguyện? Nếu chưa, thì tôi xin chia sẻ câu chuyện của tôi cho chị biết.
Cảnh nhà tan hoang, đổ nát sau cơn bão số 12
Tôi là một người làm việc thiện nguyện đã 20 năm. Khi thì với vai trò một tình nguyện viên, giúp đỡ các vận động viên khuyết tật, khi thì đi nấu ăn miễn phí cho các trung tâm xã hội, lúc lại lên đường đi cứu trợ bão lũ…Tiền tôi vận động được từ các mạnh thường quân quen biết. Thế nên ai muốn tôi thực hiện sứ mệnh gì tôi sẽ làm theo như nhà hảo tâm mong muốn. Người góp tiền dặn mua quà gì, tôi sẽ mua quà đó. Người nào thích trao tiền, tôi sẽ là cầu nối để trao số tiền đó cho những mảnh đời bất hạnh.
Ai không muốn được đem tiền đi cho khỏe, cho nhanh, đỡ cực, đỡ mệt nhưng ý muốn của nhà hảo tâm, chúng tôi không thể không làm theo. Riêng cá nhân tôi, dù có trao tiền tôi vẫn muốn có thêm một phần quà để cho người nhận không cảm thấy tay họ có cảm giác trống trải, trơ trọi. Phần quà đó như phần "khuyến mại" thêm chút tình cho cái phong bì có vẻ hơi vô cảm kia.
Nhiều nhà tại xã Ninh Trung, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã đổ sập sau bão số 12 khi đoàn từ thiện đến. Ảnh: Châu Thành Toàn
Đã trao quà thì hiếm có chuyện một tổ chức từ thiện nào đi trao gạo mốc hay phân định một người nửa gói mì tôm. Nếu đã đi làm từ thiện thì không ai lại làm thế. Ai làm thiện nguyện cũng biết sẽ "mang tội" nếu lừa gạt hay làm việc thất tín với những người đã đặt niềm tin vào mình. Vì vậy, hàng mua tặng bà con chúng tôi cũng chọn hàng tốt nhất có thể, không cận date, bao bì gói phải đẹp mắt…Người ta thường nói: "Của cho không bằng cách cho" thế nên cần phải trân quý tình cảm của người cho đi lẫn người được nhận. Để người khác bị tổn thương sau khi nhận quà là gây "ác duyên" chứ không phải là gieo duyên nên chúng tôi rất cẩn trọng khi tìm mua quà cũng như khi vận chuyển, đóng gói…
Còn chuyện phát quà đại trà hay tìm hiểu nhu cầu của người dân lại là một câu chuyện dài mà không phải ai cũng biết. Nếu bạn là một nhà từ thiện, bạn muốn đến một xã, ấp vùng xa vùng sâu để cứu trợ, ai sẽ là người dẫn đường, hướng dẫn các thứ? Chưa kể là khi ấy đường đi hiểm trở, không an toàn, ai sẽ là chịu trách nhiệm về mọi việc cho bạn? Thế nên phải nhờ đến chính quyền, trưởng ấp, trưởng thôn. Vui thì họ dẫn bạn đi. Buồn thì đành vậy. Nếu họ làm việc này không công, tốn thời gian, tốn xăng, chẳng có chút tiền trà nước, lợi lộc thì đi làm gì cho bõ công…Dĩ nhiên là không phải ở địa phương nào cũng có chị ấp, anh xã không nhiệt tình nếu không quà cáp cho họ nhưng nó khá phổ biến ở một số vùng miền mà ai có đến mới hiểu được sự tình.
Mà không qua "cửa làng", cổng xã thì khó có thể xuống gặp trực tiếp dân. Mấy năm trước, khi còn đi chiến dịch Mùa hè xanh, tôi muốn đi khảo sát để trao quà cho một số người nghèo thuộc một buôn làng vùng sâu, vùng xa của một tỉnh trên cao nguyên. Do chẳng biết đường, tôi ghé vào một quán ăn để hỏi. Nghe hỏi, người dân xúm lại hỏi tôi muốn đi đâu, làm gì…"À, chú muốn vào đó à. Gần đây là nhà ông chủ tịch xã ấy, để tôi dẫn chú đến luôn….". Thế là bằng sự nhiệt tình thái quá, người dân gần như áp giải tôi vào nhà chủ tịch xã.
Rồi thì bạn là ai, bạn đại diện cho cơ quan đoàn thể nào, đến làm gì, mục đích gì….Rồi là được trao cho một danh sách (có đôi lúc kèm nhu cầu của dân). Thường danh sách này là từ ấp, từ xã, từ huyện đưa lên bạn không tin, không trao quà sao. Có khi trao quà "hớ" cũng đành chịu. Chính vì những vị cán bộ "vô duyên" đó nên có đoàn đi rồi không quay lại nơi cũ bao giờ là vậy.
Trao quà cứu trợ cho một hộ dân tại xã Ninh Trung, huyện Ninh Hòa vừa mới bị bão 12 làm sập nhà, chỉ còn trơ cái nền
Xin hãy hiểu cho những người làm công tác thiện nguyện. Ai cũng muốn mang quà có giá trị trao đúng nơi, đúng người và đúng hoàn cảnh nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm. Không thể làm theo ý mình muốn được. Do vậy, xin chớ làm anh hùng bàn phím để làm tổn thương đến những người đang làm từ thiện bằng cách này hay cách khác. Nếu được, bạn hãy cùng góp công, góp sức để giúp cho người nghèo, người bất hạnh thấy được sự ấm áp của tình tương thân tương ái, của niềm tin vào cuộc sống. Hãy góp lời hay hành động để bàn tay nắm lấy bàn tay, để tình yêu thương ngày càng được lan tỏa thay vì chỉ trích và bắt bẻ việc làm của những đoàn cứu trợ, những nhà hảo tâm trong những mùa bão lũ.
Bình luận (0)