“Nghe tăng giá xăng đến 1.430 đồng/lít mà như bị “đánh úp”. Mới vừa rồi nghe giá xăng thế giới giảm, doanh nghiệp xăng dầu còn lãi 1.000 đồng/lít, nhiều người thu nhập thấp như tôi khấp khởi mừng thầm, hy vọng xăng có thể giảm giá chút ít. Ai ngờ liên bộ Tài chính – Công thương lại cho tăng giá như thế này. Các vị được Nhà nước cấp xe hơi, cấp xăng nên chắc không hiểu nổi khổ của chúng tôi khi xăng tăng giá” - bạn đọc Trần Thân than thở. Đây cũng là tâm trạng của rất nhiều người dân trong bối cảnh thu nhập giảm mà các mặt hàng thiết yếu cái gì cũng tăng.
Tăng giá để… chống buôn lậu!
Trước lý giải của Bộ Tài chính hiện giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, đồng thời tăng giá là để ngân sách khỏi bù lỗ, nhiều bạn đọc chỉ biết thở dài. Khi tăng giá xăng thì Bộ Tài chính đều có lý do để biện hộ nhưng lấy lý do như trên thì thật không thuyết phục.
Bạn đọc lấy tên Đỗ Xăng Lẻ nói thẳng: “Giá xăng các nước giáp biên giới Việt Nam cao thì đâu có gì liên quan đến quyền lợi của người dân Việt Nam. Nếu buôn lậu ồ ạt thì lỗi là do quản lý yếu kém và các cơ quan chức năng liên quan phải chấn chỉnh chứ người dân đóng thuế để làm gì mà phải chịu ảnh hưởng quyền lợi của mình bởi vì buôn lậu”.
Bức xúc với cách giải thích trên của Bộ Tài chính, bạn đọc Chính Lân cho rằng: “Vì một số người buôn lậu mà không tôn trọng lợi ích chung của gần 90 triệu dân sao. Còn lý do “chạy theo giá xăng của thế giới” cũng không ổn. Bởi nếu vậy thì sao không tăng mức thu nhập của chúng ta cho bằng với thế giới để người dân nhờ. Tự hào là nguồn tài nguyên giàu có thử hỏi người dân nước ta đã được lợi gì từ nguồn tài nguyên này, đặc biệt là dầu mỏ? Hãy nhìn các nước có mỏ dầu, người dân của họ được hưởng lợi rất lớn từ tài nguyên quốc gia. Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela được người dân thần tượng bởi một trong những việc làm thiết thực của ông là lấy nguồn lợi từ dầu mỏ để lo an sinh xã hội”.
Cùng quan điểm, bạn đọc Robert, gay gắt: Nói tăng giá xăng dầu để chống buôn lậu là một phát biểu cực kỳ ấu trĩ hay chỉ là hình thức ngụy biện cho sự độc quyền bởi chúng ta có cả một hệ thống cơ quan hưởng lương từ tiền thuế của người dân (có cả thuế xăng dầu) để chống buôn lậu rồi. Không cần phải tiến sĩ kinh tế thì vẫn có thể tính ra các doanh nghiệp xăng dầu lời hàng ngàn tỉ đồng từ nguồn quỹ bình ổn và chênh lệch giá. Vì khi giá xăng thế giới giảm thì các công ty nhập về vẫn bán giá cũ, khi giá thế giới tăng các công ty tăng theo. Chỉ tính lượng hàng tồn nhập về lúc giá thế giới giảm đến lúc giá thế giới tăng các công ty tăng theo là đã hốt khủng rồi.
Không còn sức để sốc
Một người bình thường cũng hiểu khi giá xăng tăng thì sẽ kéo theo tất cả các mặt hàng khác tăng. Gánh nặng này chắc chắn đè lên vai người dân mà đa số người dân còn nghèo, kiếm miếng ăn hằng ngày đã quá vất vả. Đừng vì lợi ích cục bộ của vài doanh nghiệp mà đánh đổi quyền lợi của đại đa số người dân.
Bạn đọc Hoàng Khánh dẫn chứng: Giá điện vừa tăng, tiếp đến thu phí đường bộ xe gắn máy, viện phí tăng... giờ tới xăng tăng kéo theo giá cả tăng hàng loạt thì người dân có cố gắng đến đâu cũng không chịu nổi. Cùng thấm đòn tăng giá, bạn đọc Minh Thư kể: “kinh tế khó khăn, cơ quan tôi phải giảm lương nhân viên. Cụ thể lương tháng 2-2013 của chúng tôi bị giảm gần 1 triệu đồng/người. Oái oăm là giảm lương trong lúc cái gì cũng tăng và sẽ tiếp tục tăng theo giá xăng dầu thì chúng tôi cùng quẫn”.
Người dân sẽ càng khó khăn khi giá xăng dầu tiếp tục tăng. Ảnh: Tấn Thạnh
“Theo tôi điều quan trọng nhất là phải xóa bỏ quỹ bình ổn xăng dầu. Nó không có tác dụng gì. Tôi nghĩ tốt hơn hết là Nhà nước đừng can thiệp vào giá xăng dầu, điều quan trọng là phải sòng phẳng và minh bạch” - bạn đọc lấy tên Nông Dân đề xuất.
Bình luận (0)