"Khoảng 5 năm trở lại đây, khi kinh tế gia đình đã ổn định từ nghề nuôi tôm, tôi nhờ vợ lo hết mọi việc trong nhà để đi làm cầu từ thiện. Tôi đã xây được hơn 50 cầu ở vùng này và những xã vùng sâu của các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Cà Mau. Mỗi cầu trị giá từ 50 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. Tất cả chi phí đều do các địa phương vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp, tôi chỉ bỏ công ra làm thôi" - ông Năm cho biết.
Đồng cảm trước những khó khăn trong việc đi lại của người dân địa phương - đường sá vốn bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, ông Năm đi học hỏi kinh nghiệm để có thể tự vẽ bản thiết kế cầu rồi từng bước "nối nhịp bờ vui". Tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp biết và tìm gặp ông để nhờ xây những cây cầu ở khắp nơi.
Một chiếc cầu ở xã Vân Khánh Đông vừa được ông Nguyễn Văn Năm xây dựng xong
"Tôi lên bản thiết kế, tính toán rồi "kê toa" cho các mạnh thường quân mua vật liệu về cho mình làm. Các đại lý vật tư cũng bán theo giá sỉ vì biết tôi làm cầu từ thiện. Vì thế, chi phí cho mỗi cây cầu tôi làm chỉ bằng phân nửa so với giá mà các nhà thầu nhận thi công. Tôi đang thi công 1 cầu ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bình quân, mỗi năm tôi làm 13-14 cây cầu nên công việc cứ xoay vòng, ít khi được nghỉ ngơi. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tôi phải làm thêm 7 cây cầu nữa vì đã nhận lời với người ta rồi. Càng vất vả, tôi càng thấy vui vì mình đã có đóng góp nhiều hơn cho xã hội" - ông Năm bày tỏ.
Ông Đỗ Trung Lành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vân Khánh Đông, nhận xét: "Anh Năm là một điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương. Sự tâm huyết của anh trong việc xây cầu từ thiện đã thể hiện điều đó. Ở đâu cần là anh có mặt. Việc làm của anh đã góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương chúng tôi hết sức hiệu quả và thiết thực".
Bình luận (0)