Với người nghèo sống gần rừng, nhiều người vẫn còn phải dựa vào rừng mà sống. Số người này không nhiều và "công suất" phá rừng của những đối tượng này cũng không quá lớn.
Đáng nói hơn là những người gián tiếp phá rừng. Chính họ là một phần nguyên nhân khiến cho rừng già nhanh chóng biến mất.
Nhu cầu sử dụng nội thất bằng gỗ khủng là nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá
Chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh nhiều người giàu có hay có địa vị ngồi lọt thỏm trên những chiếc ghế gỗ to. Cạnh đó thường là chiếc bàn to đến nỗi mà bất cứ ai nhìn vào cũng hình dung ngay đến một thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu rừng đại ngàn nào đó đã ngã xuống.
Đã một thời, mà chắc giờ vẫn còn thịnh hành là kiểu biếu quà bằng gỗ khủng. Đi phong bì đã là thường và không không còn gây ấn tượng mấy, nhiều người tặng quà lãnh đạo bằng những bộ bàn ghế thuộc vào dạng "hàng độc". Nếu không có những nhu cầu "khoe của" trong các căn phòng khách nơi phố thị, sẽ không có nhu cầu săn lùng gỗ khủng trong rừng sâu. Cơn khát sở hữu gỗ quý hiếm đã khiến cho bao khu rừng bị tàn phá nặng nề bởi kiểu khai thác bằng cưa máy và vận chuyển cơ giới.
Đất mềm giữ được sự liên kết là bởi hệ thống rễ cây. Cây và rễ cây phân tán lượng nước mưa, giữ cho nước thẩm thấu dần, không chảy với tốc độ nhanh được. Cây lớn thì bộ rễ lớn và sâu. Nó giúp cho các mảng đất trên núi cao không đổ sạt xuống khi ngậm nước mưa.
Cổ thụ không còn thì các trảng cây nhỏ cũng không trụ nổi. Đó là lý do mà chúng ta thấy mỗi khi mưa nhiều thì nước lũ tháo về như là xả đập vậy.
Bình luận (0)