Trở lại đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, nơi từng được xem "thủ phủ" nhà sai phép, không phép, chúng tôi ghi nhận hai bên đường đã được nâng cấp sạch sẽ, các con hẻm nhỏ không còn cảnh quây tôn để lén lút làm nhà.
Ngăn chặn từ đầu xây dựng không phép
Bà Lê Thị Thạch (công nhân KCN Vĩnh Lộc) kể tháng 3-2020, bà được "cò" đất đến tận nhà trọ gợi ý mua nhà 3 chung với giá 700 triệu đồng. Bà đi cùng xem đất ở con hẻm giữa đường Thới Hòa, thấy có thợ cắm cọc, xây nền. Hôm sau, quay lại để bàn giao tiền cọc, bà thấy đã có mặt lực lượng chức năng. "May cơ quan chức năng đến kiểm tra, cắm biển cảnh báo kịp thời, không thì tôi đã mất tiền" - bà Thạch nói.
Theo ông Trần Vũ Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, từ khi thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, xã đã tăng cường công tác kiểm tra nhằm bảo đảm các công trình xây dựng phải được giám sát. Tính đến nay, xã Vĩnh Lộc A ghi nhận 26 vụ xây dựng không phép, sai phép, sớm ngăn chặn hơn 160 vụ xây dựng không phép, vận động tháo dỡ ngay từ đầu 18 trường hợp.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết do đặc thù của huyện ngoại thành với diện tích đất nông nghiệp xen cài với đất phi nông nghiệp và tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất vẫn còn diễn biến phức tạp nên định kỳ hằng tuần, UBND các xã, thị trấn đều có báo cáo đến huyện tình hình quản lý đất đai, xây dựng. Hằng tuần, Thường trực UBND huyện tổ chức họp giao ban định kỳ về công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng (TTXD) với thành viên tổ công tác, lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn để nghe kết quả tổng hợp của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường về tình hình quản lý đất đai, TTXD để kịp thời chỉ đạo.
Đường hoa mười giờ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh Ảnh: THU HỒNG
Đặc biệt, UBND huyện phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan công an. UBND huyện chỉ đạo 16 xã, thị trấn lập danh sách chuyển cơ quan công an đấu tranh, làm rõ các đối tượng vi phạm; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xử lý các thông tin về vi phạm đất đai, TTXD do công an huyện, xã, thị trấn phối hợp báo. Công an huyện cũng đã cấp phát đến từng cơ quan, đơn vị xã, thị trấn thông tin tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo phân lô, mua bán đất trái pháp luật, dự án "ma"…
"Chúng tôi đã cho lắp đặt 500 bảng tuyên truyền, cảnh báo tại các khu vực xảy ra vi phạm phân lô, bán nền; công khai số điện thoại của bộ phận trực hành chính, công an để tiếp nhận, giải thích cho người dân có nhu cầu; mở nhiều kênh thông tin để tiếp nhận và xử lý phản ánh về TTXD trên địa bàn. Vừa tăng cường tuyên truyền, kiểm tra vừa tìm mọi cách xử lý hình sự các "đầu nậu" lừa dối khách hàng" - ông Nguyễn Văn Tài nói.
Còn tại quận 7, UBND quận tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng trong Đảng ủy, Chi bộ trực thuộc, hội nghị cán bộ công chức phường; hội nghị nhân dân tổ dân phố, loa phát thanh, đăng bản tin tại khu phố, tổ dân phố. Đồng thời, giao chủ tịch UBND 10 phường chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận về việc không để xảy ra các trường hợp xây dựng vi phạm TTXD mà không bị xử lý kịp thời.
Phường Bình Hưng Hòa A là địa phương có dân số đông (130.000 người). Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường, khẳng định để làm tốt công tác quản lý, phải dựa vào dân, phát huy vai trò cấp cơ sở. Phường đã thành lập 27 tổ tự quản về TTXD tại 27 khu phố. "Xây dựng lén lút thường diễn ra vào ngày nghỉ, ban đêm, chỉ có người dân ở cận kề mới phát hiện sớm chuyện chở lén vật liệu xây dựng, chuẩn bị khởi công. Có thông tin từ người dân, lập tức cán bộ địa chính sẽ xuống ghi nhận và ngăn chặn sớm" - ông Trần Hoàng Dũng nêu kinh nghiệm.
Lấy cái đẹp dẹp hành vi xấu
Ban đầu, khi nghe địa phương nói sẽ cải tạo khu đất trống 500 m2 ở khu phố 7, phường 15, quận Gò Vấp là bãi rác tự phát thành nơi sinh hoạt cộng đồng, nhiều người dân đã rất nghi ngại. Bởi trước đó, địa phương đã nhiều lần tổ chức tổng vệ sinh, đặt biển cấm đổ rác nhưng chỉ một vài hôm, đâu lại vào đấy.
"Cán bộ phường xuống vận động, giải thích rõ lợi ích mang lại, người dân xắn tay áo cùng làm với chính quyền. Đến khi cải tạo xong, chúng tôi đi thu gom từng món đồ tái chế để thiết kế cho công viên. Gia đình tôi còn xung phong hiến đất để làm đường dẫn từ khu dân cư vào công viên. Thời buổi tấc đất tấc vàng nhưng vì lợi ích chung, chúng tôi hy sinh một phần cũng xứng đáng" - ông Đỗ Ngọc Lý (75 tuổi) hồ hởi kể.
Đến hôm nay, người dân trong vùng đã có một công viên sạch sẽ, thoáng đãng với lối dẫn vào khang trang. Buổi sáng, nơi đây là khu vực tập thể dục, thể thao của người lớn; buổi chiều là nơi vui chơi của trẻ em.
Ông Đặng Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 15, quận Gò Vấp, cho biết phường cũng dùng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh để kịp thời phát hiện, xử lý người xả, đổ rác không đúng nơi quy định; công khai số điện thoại, tài khoản Zalo lãnh đạo, cán bộ phụ trách để tiếp nhận phản ánh của người dân, từ đó có biện pháp để ngăn chặn, bắt quả tang, lập biên bản xử lý. Sau khi đóng phạt, người vi phạm còn bị buộc lao động công ích.
Tại huyện Bình Chánh, những đường hoa mười giờ chống nạn xả rác hiện lan rộng hàng chục tuyến đường, tuyến hẻm. Niềm vui xen lẫn tự hào, bà Nguyễn Thị Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước, chia sẻ: "Ngay khi mô hình đường hoa mười giờ trên đường Liên ấp 2 - 3 phát huy hiệu quả, giảm 80 - 100% tình trạng xả rác, chúng tôi đã nhân rộng cách làm này trên nhiều tuyến đường, tuyến hẻm của xã. Tính đến nay, khoảng 11 km chiều dài đường và hẻm được phủ hoa, nhiều tuyến đường như đường 4C, đường hẻm tổ 4, 5 ấp 3 được trồng hoa rất đẹp. Sắp tới, đường dẫn vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước cũng được đề xuất thảm hoa 2 bên đường".
"Thấy xã khác đẹp, mình cũng muốn đẹp". Từ mô hình của xã Đa Phước, nhiều tuyến đường hoa được nhân rộng ra các xã Tân Nhựt, Quy Đức, Phong Phú, Hưng Long… Để những con đường hoa phát huy hiệu quả, sau khi trồng sẽ được giao lại cho Ban nhân dân ấp và người dân khu vực cùng chung tay chăm sóc.
Lấy cái đẹp ngăn chặn hành vi xấu cũng là cách làm mà nhiều địa phương trên địa bàn quận 12 thực hiện để biến những bãi rác lưu cữu thành công viên, vườn hoa. Như công viên rộng gần 1.000 m2 trên đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc) là công trình cải tạo bãi rác thành mảng xanh do UBND phường Thạnh Lộc cùng Đảng ủy khu phố 3A đưa ra ý tưởng và kêu gọi sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.
Mô hình "biến bãi rác thành công viên" được quận 12 nhân rộng trên nhiều phường, nơi nào diện tích lớn làm công viên, nơi nào nhỏ dù vài chục mét vuông cũng được thảm hoa, đặt chậu kiểng. Ông Đặng Hải Bình, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12, cho biết mô hình này mang đến giá trị kép khi vừa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân vừa tạo ra hiệu quả bền vững trong quá trình xóa các điểm nóng. Đến nay, 28/78 điểm rác lưu cữu được chuyển hóa thành công viên, bồn hoa; những điểm còn lại, các địa phương tiếp tục rà soát, vị trí nào phù hợp sẽ kêu gọi xã hội hóa, những điểm khác sẽ vẽ tranh tuyên truyền, lắp camera giám sát…
Bêu hình ảnh người xả rác
Chân cầu Rạch Ông (quận 7) luôn là nỗi ám ảnh của người dân khi đi ngang qua đây do tình trạng đổ trộm rác diễn ra thường xuyên. Trước thực trạng này, phường Tân Hưng đã nghĩ ra cách trị xả rác bằng việc bêu hình ảnh. Camera an ninh được lắp đặt ở nơi có thể quan sát được toàn cảnh, tự nhận diện, chụp hình lại những người đổ rác bậy, sau đó in ra, dán vào một tấm bảng ngay chân cầu. Những ngày đầu áp dụng, 38 trường hợp bị phát hiện, tình trạng đổ rác bậy giảm đến 90%. Đến nay, từ một bãi rác tự phát đã hình thành công viên cây xanh tươi tốt.
Xóa nếp nghĩ "sạch nhà, bẩn ngõ"
Hưởng ứng Chỉ thị 19, người dân khu phố 4, phường 5, quận Bình Thạnh đã cùng nhau ký cam kết không xả rác ra đường, không đổ nước thải trực tiếp ra cống, rãnh, kênh rạch. Mỗi tuần, người dân đều dành 15 phút để cùng nhau làm sạch con ngõ, đường phố. Tính đến tháng 7-2020, UBND quận Bình Thạnh đã công nhận 15/20 phường đạt "Phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-9
Kỳ tới: Sức mạnh ý Đảng, lòng dân
Bình luận (0)