Nếu xem xét từ khía cạnh về khoa học tổ chức bộ máy nhà nước trong việc thực thi quyền hành pháp thì phân cấp có thể được xem là sự phân công giữa các cấp (trung ương và địa phương) trong việc thực thi quyền hành pháp.
Phân cấp đồng nghĩa với việc xem xét chính quyền địa phương các cấp có quyền như thế nào trong việc kiểm soát chính sách công; quyền liên quan đến phân bổ quyền lực; quyền được cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cho công dân trên địa bàn lãnh thổ...
Có nhiều nghị định về phân cấp quản lý
Trong hoạt động quản lý nhà nước, phân cấp quản lý hướng đến một số mục tiêu sau: Quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi yếu tố cấu thành tổ chức hay yếu tố cấu thành bộ máy nhà nước; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi cấp chính quyền địa phương trong giải quyết công việc cho dân nhanh chóng, thuận lợi; đưa tổ chức, cá nhân được quyền quyết định sát với thực tiễn phải triển khai các quyết định đó nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước; tạo điều kiện để Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trung ương tập trung vào những vấn đề mang tính ưu tiên quốc gia; gia tăng tính trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương, từ lâu, Đảng ta đã có chủ trương: "Nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương và giao Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị".
Điển hình của việc phân cấp quản lý của trung ương đối với TP HCM trước tiên là Nghị định số 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP HCM. Tiếp theo là Nghị định số 124/2004/NĐ-CP quy định về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với TP HCM và sau này là Nghị định số 48/2017/NĐ-CP quy định về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp quản lý nhà nước, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 54/2017/ QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết này quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Nghị quyết 54/2017/ QH14 được kỳ vọng tạo cơ chế thuận lợi cho TP HCM phát triển toàn diện.
Tuy nhiên hiện nay, TP HCM chưa đạt mục tiêu lọt vào tốp các địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cả nước; có những nguồn lực chưa được thành phố khai thác, phát huy hết tiềm năng; tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố chỉ 21%, thấp nhất cả nước; sự hợp tác của thành phố với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ hiệu quả chưa cao; việc phát huy các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học và chính quyền địa phương của nước ngoài có quan hệ đối tác chiến lược đối với đất nước cho sự phát triển của TP HCM cũng chưa đạt hiệu quả cao, còn tiềm năng rất lớn…
Giải quyết thủ tục hành chính ở UBND huyện Bình Chánh, TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Yêu cầu có tính quy luật
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, cải cách nền hành chính nhà nước và hội nhập quốc tế, thực hiện phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền nhằm phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo là yêu cầu có tính quy luật, không thể trì hoãn được.
Đó là quá trình chuyển đổi phương thức thực thi quyền lực nhà nước tập trung quan liêu sang dân chủ; là chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương các cấp nhằm mục tiêu hiệu quả.
Để thực hiện phân cấp quản lý nhà nước hiệu quả, cần bảo đảm các nguyên tắc: thẩm quyền quyết định của HĐND; trách nhiệm giải trình; sự tuân thủ các quy định của pháp luật; công khai, minh bạch, sự giám sát của người dân; trình độ, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; cơ chế tài phán của tòa án.
Cùng với đó, hoạt động phân cấp quản lý giữa chính quyền các cấp phải bảo đảm tính phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - lãnh thổ; trên cơ sở đánh giá các yếu tố khách quan tác động đến hoạt động quản lý nhà nước.
Mỗi ngành kinh tế - xã hội, lĩnh vực công tác đòi hỏi những phương thức thực hiện và cơ chế quản lý thích hợp. Các địa bàn hành chính lãnh thổ khác nhau cần có sự phân cấp, phân quyền phù hợp giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Hoạt động phân cấp quản lý và những vấn đề đặt ra trong hoạt động phân cấp quản lý còn đòi hỏi phải định kỳ tổ chức đánh giá hiệu quả.
Trước hết phải xem xét các quyết định phân cấp có được thực hiện hay không, có thật sự chuyển giao quyền quyết định hay nhiệm vụ và quyền hạn khi cấp dưới có thể thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó tốt hơn cấp trên? Ngoài ra, hiệu quả của phân cấp quản lý nhà nước thường được xem xét trên 2 khía cạnh: thực hiện được các nội dung đã phân cấp theo quy định; hoạt động quản lý nhà nước trên lĩnh vực được phân cấp tốt hơn so với trước khi được phân cấp…
Chính quyền xã, phường, thị trấn được xác định là cấp cơ sở, gần dân nhất, nơi trước tiên giải quyết các công việc hành chính cho dân hằng ngày cũng như trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở cơ sở. Vì vậy, cần phân cấp nhiều hơn theo hướng bảo đảm quyền tự quản địa phương cho chính quyền cơ sở liên quan các vấn đề của cộng đồng dân cư thuộc thẩm quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)