Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, năm 2017, TP đã ban hành Quyết định 1832 về triển khai phân loại rác tại nguồn (PLRTN); yêu cầu mỗi quận - huyện có ít nhất 1 phường/xã/thị trấn; đến năm 2020, TP hoàn thành cơ bản việc triển khai PLRTN.
Khó nhất là thay đổi thói quen
Đến nay, hầu hết 24 quận - huyện đều đã triển khai và đang mở rộng phạm vi thực hiện. Người dân đã bắt đầu có ý thức PLRTN. Một số quận đã tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác PLRTN từ người dân. Bên cạnh đó, các quận 1, 3, 5, 12, Thủ Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh… đã tổ chức, sắp xếp lại các đường dây thu gom rác dân lập để tổ chức thu gom riêng 2 nhóm chất thải sau phân loại và vận chuyển riêng khối lượng chất thải rắn (CTR) hữu cơ đến các khu xử lý tập trung.
Tuy nhiên, Sở TN-MT cũng cho biết công tác này còn nhiều hạn chế, người dân chưa nhiệt tình tham gia; việc tổ chức hệ thống thu gom riêng chất thải sau phân loại còn lúng túng, chậm thực hiện, chưa được duy trì một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học… là đối tượng ưu tiên thực hiện cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này.
Rác thải sinh hoạt của quận 12, TP HCM được đưa về trạm trung chuyển rác ở phường Hiệp Thành Ảnh: SỸ ĐÔNG
Là địa phương mới triển khai từ đầu năm 2018, bà Lê Thị Kim Phương, Chủ tịch UBND phường Linh Tây (quận Thủ Đức), cho biết qua các buổi tiếp xúc với người dân về việc PLRTN thì cái khó nhất là thay đổi thói quen. Đáng mừng là nhiều người đã biết được những lợi ích của việc PLRTN nên chỉ cần hướng dẫn để người dân phân loại đúng cách. Cùng với đó là hỗ trợ thêm túi ni-lông thân thiện với môi trường để người dân dễ thực hiện.
Theo chủ tịch một phường ở quận Bình Thạnh, muốn áp dụng PLRTN phải triển khai đồng bộ ở tất cả quận - huyện; thống nhất cách làm từ hộ dân đến các trạm trung chuyển và bãi rác. Cách làm hiện nay chỉ dừng lại ở thí điểm với quy mô tổ dân phố nên lượng rác không nhiều, không thể xây dựng được lộ trình thu gom dẫn đến lượng rác thu được không đủ một xe ép rác nhưng vẫn phải chở đi đến bãi rác làm hao phí nhiên liệu.
Các chuyên gia về môi trường đánh giá nếu làm tốt việc PLRTN thì đây sẽ là một loại tài nguyên. Cụ thể, rác hữu cơ sau phân loại được xử lý thành phân bón vi sinh cung cấp nhiều dinh dưỡng cho đất; rác vô cơ sẽ làm chất đốt phát điện cung cấp nguồn điện tái chế hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Đây cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới, qua đó giảm lượng rác chôn lấp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến giao Sở TN-MT TP kết hợp UBND các quận - huyện tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về công tác PLRTN trên địa bàn TP. Ông Tuyến lưu ý nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện… với các phương tiện mà người dân đang sử dụng (điện thoại, mạng internet, radio, truyền hình…). Sở TN-MT cũng cần phải tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo, tổ giúp việc trong việc tổ chức kiểm tra định kỳ công tác này tại các quận - huyện để kịp thời ghi nhận, hướng dẫn hoặc tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo giải quyết khó khăn của các quận - huyện để công tác PLRTN được hiệu quả hơn.
Riêng UBND các quận - huyện, ông Tuyến yêu cầu thực hiện nghiêm, có lộ trình, chọn điểm, từng bước mở rộng phạm vi thực hiện, bảo đảm thường xuyên và kết nối với hệ thống thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn; tập trung triển khai thực hiện đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, siêu thị, chợ, bệnh viện, chung cư... Tăng cường bố trí thêm các thùng rác công cộng (có dán nhãn, tên loại chất thải phân loại) trên các đường phố chính, nơi công cộng, đầu mối giao thông…
Các quận - huyện phải đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp hệ thống thu gom tại nguồn đồng bộ; đặt trọng tâm công tác tổ chức lại hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn và phương tiện thu gom tại nguồn. Triển khai các phương án thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau phân loại, tránh trường hợp người dân thì phân loại rác, người thu gom lại nhập chung để vận chuyển.
Liên quan đến việc này, UBND TP vừa kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt của các chức danh để việc phát hiện, xử lý vi phạm được kịp thời, nhanh chóng. Đối với Chính phủ, UBND TP kiến nghị xem xét ban hành Nghị định quy định về việc thải bỏ, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR cồng kềnh; xem xét bổ sung, điều chỉnh Nghị định số 38/2015 và chỉ đạo Bộ TN-MT ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện về quản lý CTR sinh hoạt. Cụ thể là quy định đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom CTR sinh hoạt phải là tổ chức có đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ TN-MT và bộ ngành liên quan có hướng dẫn triển khai chi tiết thực hiện điều 20 Nghị định số 155 để tháo gỡ các khó khăn của TP trong triển khai thực hiện như: phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính; tổ chức thực hiện quyết định vi phạm hành chính; sử dụng phương tiện ghi hình để xử phạt; thẩm quyền phạt tiền và mức phạt áp dụng cho đối tượng hộ gia đình không thực hiện PLRTN.
Xử phạt 15-20 triệu đồng
Sở TN-MT cho biết sẽ tham mưu UBND TP ban hành quy định về PLRTN; đẩy mạnh tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi thành HTX hoặc doanh nghiệp. Mặt khác, có biện pháp, chế tài đối với hành vi không phân loại rác. Bước đầu vận động, khuyến khích để người dân thực hiện; sau năm 2020 sẽ kiểm tra, xử phạt theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ (phạt 15 - 20 triệu đồng nếu không thực hiện phân loại).
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7
Bình luận (0)