Trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, người đứng đầu luôn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đối với cơ quan hành chính nhà nước, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đòi hỏi phải thể hiện rõ trong công tác cải cách hành chính (CCHC), bởi nếu thủ tục hành chính không được cải cách tốt hoặc chậm thì sẽ đánh mất lợi thế, cơ hội, trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển.
Phẩm chất bắt buộc của người đứng đầu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ".
Với tinh thần đó, trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản đề cập trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đó là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; chủ động đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Người đứng đầu khi thực hiện nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, lời nói, mà phải nói đi đôi với làm. Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu có thể được xem là mệnh lệnh không lời, để thuyết phục cấp dưới noi theo.
Như vậy, người đứng đầu một cơ quan, đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cán bộ, công chức bình thường vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một người lãnh đạo, một người quản lý. Hơn thế nữa, bất cứ nhiệm vụ, quyền hạn nào cũng phải đi tiên phong, thực thi với trách nhiệm và hiệu quả nhất.
Với công tác CCHC, người đứng đầu được xem là "người lái tàu để đưa đoàn tàu tới đích" nên có vai trò định hướng quan trọng, quyết định đến chiều hướng phát triển cũng như kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước được thể hiện rõ tại điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Trước đó, trách nhiệm người đứng đầu cũng được nêu tại điều 7 Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 - quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
TP HCM luôn xác định CCHC là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đề cao vai trò, trách nhiệm, cũng như xác định thành công hay thất bại trong công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị hành chính các cấp phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó.
Cán bộ, công chức Bảo hiểm Xã hội TP HCM tiếp dânẢnh: Hoàng Triều
Những việc trọng tâm cần thực hiện
Hiện nay, TP HCM đang chờ Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 với những cơ chế, chính sách mới, vượt trội nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế và lấy lại đà tăng trưởng với tâm thế một đô thị dẫn dắt kinh tế của vùng cũng như cả nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, người đứng đầu trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đơn vị ở TP HCM đóng vai trò rất quan trọng, cần tập trung quan tâm đến những việc trọng tâm, cụ thể sau:
Trước tiên, người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị hành chính phải làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động CCHC của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính.
Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống quan liêu, tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về các vấn đề xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về kết quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu (gồm cả mức độ thành công và mức độ yếu kém, thậm chí thất bại).
Cả trên giác độ chuyên môn và giác độ chính trị thì việc nêu gương của người đứng đầu chính là bản thân phải liên tục rèn luyện, phấn đấu và thi đua, cạnh tranh (lành mạnh) với những người cùng cấp hoặc hướng lên cấp trên để thực thi chức trách của mình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Một số kết quả CCHC của TP HCM
Được triển khai từ năm 2002, đến nay, khi hoạt động CCHC được đẩy mạnh thì mô hình "Đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố" được phát huy rất hiệu quả. Thông qua từng cuộc đối thoại, chủ tịch UBND TP HCM ghi nhận, chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Những năm trở lại đây, trong các hội nghị thường kỳ, UBND TP HCM lồng ghép vào chủ đề "Trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC", qua đó đôn đốc trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC.
TP HCM cũng đã và đang tích cực thực hiện Đề án "Xây dựng TP HCM thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và xây dựng chính quyền điện tử. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CCHC.
Bình luận (0)