Bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhằm giải quyết những vấn đề liên quan sự tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường, trên thế giới đã xuất hiện một hướng đi mới trong quy hoạch xây dựng đô thị gọi là Transit Oriented Development (TOD). TOD lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Vì sao TP HCM cần TOD?
Có chức năng sử dụng hỗn hợp giữa khu ở và khu tài chính, TOD được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời vẫn cân bằng được lợi ích của cộng đồng. Trung tâm của những khu vực này thường có ga tàu điện, trạm xe buýt... và hệ thống các dịch vụ thương mại, công nghiệp, văn phòng... được thiết lập xung quanh gọi là các điểm TOD.
TOD được thiết kế là tổ hợp gồm các cơ quan, hệ thống bán hàng hoặc vui chơi - giải trí, mang đến cho con người nhiều cơ hội lựa chọn đi bộ hơn tới điểm đến cuối cùng của họ, làm tăng sự thân thiện giữa con người với môi trường tự nhiên. Hơn nữa, TOD giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm thiểu được sự tiêu thụ một lượng lớn xăng dầu của phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài ra, TOD còn có tác dụng cải thiện sức khỏe cộng đồng - do việc đi bộ nhiều hơn làm giảm stress, tăng tính năng động và sự thoải mái của con người khi di chuyển, tăng chất lượng sống.
Việc sử dụng quá nhiều phương tiện cơ giới cá nhân là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn trong thành phố Ảnh: ANH VŨ
Tại nhiều đô thị lớn ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…, đường sắt đô thị không cần được trợ giá, dù tiền thu về từ bán vé chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu của các công ty vận hành. Phần lớn doanh thu của đường sắt đô thị đến từ việc cho thuê quảng cáo hoặc kinh doanh thương mại trên tàu, các nhà ga, khu vực phụ cận. Một nguồn thu rất lớn khác là từ các bất động sản xung quanh hệ thống.
TP HCM là một trung tâm kinh tế, giáo dục và văn hóa quan trọng của cả nước. Năm 2019, Công ty Fortune 500 JLL có trụ sở tại Mỹ xếp hạng TP HCM là nơi có động lực thị trường kinh tế và bất động sản ngắn hạn mạnh thứ 2 ở Đông Nam Á.
TP HCM cũng là nơi có nhiều xe máy (số xe máy gần bằng với số dân) và ôtô. Trong khi xe buýt lại có quá ít người sử dụng (9,2% cư dân sử dụng, năm 2019); hệ thống đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng… Việc sử dụng quá nhiều phương tiện cơ giới cá nhân là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn trong thành phố, căng thẳng về cơ sở hạ tầng, làm suy yếu an toàn đường bộ và tính bền vững xã hội.
Ứng dụng mô hình TOD cho TP HCM
Để phát triển và tạo sự nổi bật, một trong những yếu tố then chốt đó là giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông. TP HCM cần có cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng mô hình TOD.
Bên cạnh đó, TP HCM có thể quan tâm nghiên cứu một số vấn đề sau: Quy hoạch đô thị được thiết kế với triển vọng và tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, bền vững như mô hình TOD của Singapore; chi phí đầu tư cho giao thông công cộng được đa dạng hóa từ các nguồn vốn khác nhau như tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại của thành phố, thu hút hỗ trợ tài chính quốc tế từ các nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Hoặc huy động các nguồn vốn tư nhân, hợp tác công - tư như mô hình TOD của Nhật Bản; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thể chế về vận tải hành khách công cộng, về phát triển đô thị áp dụng mô hình TOD. Có sự kiểm soát trong phát triển đô thị theo quy hoạch; cơ chế, pháp lý, thủ tục, phương pháp đền bù giải tỏa phải thu phục được lòng dân tránh kiện tụng ảnh hưởng đến việc chậm tiến độ bàn giao mặt bằng tăng thêm gánh nặng chi phí cho các dự án.
Ngoài ra, môi trường pháp lý và thể chế liên quan việc phát triển đô thị cần có quy chuẩn, có sự phối hợp liên ngành, tránh chồng chéo trong quy hoạch đô thị. Bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa các cấp chính quyền, các cơ quan liên ngành trong quản lý, xây dựng và phát triển đô thị. Các tuyến đường sắt đô thị, các công trình bổ trợ như nhà ga, trạm dừng xe buýt, khu vực kinh doanh ăn uống - giải trí phải có tính kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiết kiệm chi phí và bảo đảm môi trường sống. Đặc biệt, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các nhà quản lý.
Kinh nghiệm ở một số nước
Tokyo (Nhật Bản) xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, có mạng lưới đường sắt đô thị phủ rộng với mật độ cao cho phép người dân di chuyển đến ga trong vòng 5-10 phút đi bộ. Chính phủ Nhật Bản áp dụng chính sách "tái phát triển đô thị" bằng cách "điều chỉnh đất" quanh các nhà ga đường sắt. Đồng thời, huy động nguồn vốn rất lớn từ hợp tác công - tư (PPP) giữa nhà nước và tư nhân để xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị.
Singapore là một quốc đảo nhỏ, diện tích hẹp nên các nhà quy hoạch đã phải tính toán kỹ lưỡng cho việc sử dụng từng tấc đất một cách hiệu quả nhất. Chính phủ Singapore đã xây dựng và phát triển hệ thống MRT (Mass Rapid Transit) nhằm giải quyết các khó khăn về khan hiếm đất đai và phát triển dân cư tập trung với mật độ cao. Sớm áp dụng mô hình định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, với quan điểm "Xây dựng đô thị phải tập trung vào yếu tố con người", Singapore đã tạo nên đô thị nổi tiếng năng động, xanh, phát triển bền vững.
Hồng Kông (Trung Quốc) được biết đến với mô hình phát triển tích hợp đường sắt và bất động sản còn được gọi là mô hình R+P. Đây là một khái niệm thú vị với quan hệ đối tác công - tư sử dụng ý tưởng TOD. Toàn bộ quá trình phát triển TOD bắt đầu trước khi xây dựng tuyến đường sắt. Chính quyền trao quyền phát triển xung quanh nhà ga cho công ty đường sắt, công ty này phát triển đất đai và có thể thu được lợi nhuận từ việc gia tăng giá trị bất động sản.
Bình luận (0)