UBND quận 1 vừa có văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất nghiên cứu phương án đầu tư phố đi bộ trên đường Lê Lợi.
Tạo sức hút du lịch
Phương án đầu tư phố đi bộ Lê Lợi nhận được sự đồng tình của hầu hết các sở ngành liên quan. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, sau khi tuyến Metro số 1 thi công xong và hoàn trả mặt bằng, đường Lê Lợi có thể tổ chức giao thông tương tự phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay. Tuy nhiên, khi tổ chức phố đi bộ, Sở Giao thông Vận tải đề xuất cấm xe tải, xe khách trên 16 chỗ; đường Lê Lợi có thể đóng lại để tổ chức phố đi bộ toàn phần trong các ngày cuối tuần.
Thống nhất với phương án đầu tư phố đi bộ Lê Lợi, Sở Du lịch đánh giá tuyến phố này sẽ tạo sức hút du lịch, kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, giúp kéo dài thời gian khách du lịch ở lại khi đến TP HCM. Để phố đi bộ này hiệu quả hơn, Sở Du lịch góp ý việc lập phố đi bộ cần trở thành nơi thực sự hấp dẫn, làm điểm đến cho khách.
Trong khi đó, một số đơn vị trực thuộc UBND quận 1 cho rằng việc thiết kế cảnh quan, ẩm thực, ánh sáng... trên phố Lê Lợi cần mang các đặc trưng về văn hóa của thành phố. Theo Phòng Kinh tế quận 1, khung giờ hoạt động, trong thời gian thí điểm chỉ tổ chức vào ngày cuối tuần, từ 19 giờ trở đi. Nhà đầu tư cũng cần tính toán phương án di chuyển xe bán hàng, nhà vệ sinh, bãi đậu xe, bảo đảm an ninh trật tự; phương án huy động vốn, lợi nhuận và đóng góp cho xã hội.
Phòng Văn hóa và Thông tin đề nghị phố đi bộ phải hướng tới sự đa dạng đối tượng phục vụ, tìm nét đặc trưng của người dân thành phố. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần xem xét phương án kết nối tổng thể với khu vực lân cận như vòng xoay Quách Thị Trang, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, công viên Mê Linh, công viên bến Bạch Đằng.
Từ đó, UBND quận 1 kiến nghị UBND TP HCM sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thương mại, tạo sự đồng bộ giữa kinh doanh và an ninh trật tự xã hội.
Đường Lê Lợi được UBND quận 1 đề xuất chuyển thành tuyến phố đi bộ (Ảnh: Thiện An)
Người dân mong chờ
Đề xuất của chính quyền cũng nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây. Ngồi trong cửa hàng nhìn ra con đường Lê Lợi (quận 1), bà Nguyễn Kim Lan liên tục thở dài vì tình hình buôn bán ế ẩm. Mặc dù rào chắn dựng lên trước đó để thi công dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được tháo dỡ nhưng lượng khách đổ về vẫn còn ít. Hơn 15 năm buôn bán quà lưu niệm trên đường Lê Lợi, bà Lan cho biết thu nhập của bà chủ yếu dựa vào lượng khách du lịch.
"Nếu tổ chức phố đi bộ tại đây thì tốt quá. Bây giờ đường sá đã sạch đẹp rồi, nếu có những hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn sẽ thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến đây tham quan, khi đó công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn" - bà Lan nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Lan, hiện tại khu vực đường Lê Lợi vẫn thiếu các bãi giữ xe. Nếu thực hiện phố đi bộ thì phải xây dựng thêm bãi giữ xe, tạo thuận tiện cho khách khi đến đây. "Cần thêm nhiều cây xanh, bồn hoa. Các hoạt động buôn bán hàng rong cũng cần phải quản lý chặt" - bà Lan nói thêm.
Hơn 40 năm buôn bán tại ngã tư Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), ông Lê Văn Chơn cho biết trong những năm trở lại đây, du khách có phần giảm sút. "Xung quanh đây chủ yếu là các tòa nhà, văn phòng làm việc. Ban ngày thì đông đúc nhưng sau 16 giờ, khu vực này vắng dần. Vì vậy các hoạt động kinh doanh, buôn bán cũng giảm theo" - ông Chơn nói.
Cũng như bà Lan, ông Chơn hy vọng khi đường Lê Lợi trở thành phố đi bộ, khách du lịch sẽ kéo về đây vui chơi, giải trí; các hoạt động buôn bán, kinh doanh cũng sẽ sôi nổi trở lại.
"Có thêm phố đi bộ Lê Lợi cũng là một trong những giải pháp giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm thú vị. Địa phương cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể, xây dựng phố đi bộ này có đặc trưng, giá trị riêng để từ đó tạo ra thế mạnh, thu hút người dân, khách du lịch" - ông Chơn nêu ý kiến.
Với nhiều bạn trẻ, phố đi bộ là điểm gặp mặt cuối tuần bởi không gian rộng, thoáng đãng thích hợp cho việc thư giãn, giải trí. Vì vậy, việc có thêm phố đi bộ Lê Lợi là thêm địa chỉ để các bạn hẹn hò, chụp ảnh, vui chơi và kết hợp với nhiều hoạt động đường phố khác.
"Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là phải làm sao đưa nơi đây trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn, văn hóa, trật tự… Ngoài ra, mặt hàng kinh doanh cũng phải phù hợp với không gian đi bộ" - chị Nguyễn Xuân Mai (nhân viên văn phòng ở quận 1) nói.
Chú trọng tính kết nối
Trao đổi với phóng viên, TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết hoàn toàn ủng hộ với đề xuất chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ.
"Hiện nay, khu vực trung tâm TP HCM vẫn còn thiếu những không gian công cộng. Trong khi đó, mô hình phố đi bộ Nguyễn Huệ được triển khai rất thành công, là một không gian công cộng thu hút đông đảo người dân, du khách. Việc chuyển đường Lê Lợi thành phố đi bộ phù hợp trong tổng thể không gian chung của khu vực trung tâm thành phố. Phố đi bộ này cũng sẽ bảo đảm được tính kết nối với các khu vực lân cận, tạo ra không gian rộng lớn để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách" - TS Trương Hoàng Trương nói.
TS Trương Hoàng Trương lưu ý khi triển khai phố đi bộ Lê Lợi, cần chú trọng đến tính kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ để tạo nên sự liên hoàn về mặt không gian. Ngoài ra, phố đi bộ là không gian dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không riêng gì giới trẻ. Vì vậy, bên cạnh không gian dành cho những hoạt động trẻ trung, sôi nổi, phố đi bộ Lê Lợi cần có không gian dành cho những hoạt động khác để người lớn tuổi đến đây vẫn cảm nhận được sự thoải mái, gần gũi.
Bên cạnh đó, việc bố trí và sắp xếp hoạt động buôn bán phải được tổ chức tốt, hạn chế các hoạt động tự phát như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hàng quán hai bên đường phải được bố trí phù hợp để người dân có thể vừa đi bộ vừa có thể tham quan, mua sắm giống như ở phố đi bộ của các nước trên thế giới.
Bình luận (0)