Nhiều vụ tạt sơn, mắm tôm để khủng bố tinh thần vì những lý do khác nhau nhưng công an địa phương không tìm ra hung thủ hoặc làm ngơ, gây bức xúc trong dư luận. Riêng vụ Phở Hòa Pasteur (đường Pasteur, phường 8, quận 3) bị "khủng bố" đến 8 lần nhưng nghi phạm vẫn không bị xử lý, Bộ Công an cần phải vào cuộc.
Trong vụ việc này, hình ảnh, video chứng cứ có đủ nhưng nghi phạm vẫn ung dung, phải chăng công an cho rằng đây chỉ là mâu thuẫn cá nhân, không nghiêm trọng, trong khi thiệt hại về tinh thần và vật chất của nạn nhân là rất lớn?
Phở Hòa 8 lần bị tấn công
Khoảng cách từ quán phở Hòa đến Công an phường 8, quận 3 (đường Huỳnh Tịnh Của) chỉ vài trăm mét nhưng các vụ tấn công vẫn liên tục xảy ra dù gia đình nhiều lần trình báo. Chỉ đến khi gia đình cầu cứu khắp nơi, thông tin bị tấn công xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, công an phường mới xuống ghi nhận hiện trường, lấy lời khai những người liên quan.
Vậy khi gia đình trình báo thì Công an phưởng 8 đã làm gì? Tại sao lại để các đối tượng giang hồ ngang nhiên lộng hành như vậy? Câu hỏi đặt ra là khi xảy ra các vụ "khủng bố" như vậy, khi nào công an mới vào cuộc? Chẳng lẽ đến khi có hậu quả nặng nề về người, về của mới vào cuộc điều tra?
Khi thông tin tràn lan trên mạng xã hội công an mới xuống ghi nhận hiện trường
Theo quy định của pháp luật, nếu vì mâu thuẫn cá nhân mà cố tình ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại tài sản của người khác thì có thể bị xử lý về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Xâm phạm chỗ ở của công dân". Nếu việc ném chất bẩn vào nhà nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ, hoang mang trong công chúng thì có dấu hiệu của tội "Khủng bố".
Tuy nhiên, do hành vi mới có dấu hiệu mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên rất khó xử lý.
Trên thực tế, những việc ném chất bẩn, đe dọa công dân như nêu trên còn ẩn chứa nhiều dấu hiệu của tội phạm, như tội "Cho vay nặng lãi". Vì vậy, để tránh hoang mang dư luận cũng như hậu quả nặng nề hơn, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa nhằm kịp thời trấn áp tội phạm.
Riêng vụ việc xảy ra ở phở Hòa, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng tìm ra các đối tượng giang hồ lộng hành từng 8 lần đe dọa, tấn công gia đình. Từ đó, tùy từng trường hợp cụ thể; tùy tính chất, mức độ hành vi mà cơ quan chức năng sẽ có cách xử lý khác nhau.
Về xử phạt vi phạm hành chính, có thể áp dụng Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là buộc khôi phục tình trạng ban đầu. Nếu có dấu hiệu cấu thành thì khởi tố vụ án hình sự với các đối tượng này để răn đe, phòng ngừa; đồng thời tạo môi trường làm ăn lành mạnh cho các cơ sở kinh doanh.
Bình luận (0)