Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình giáo dục EBS Hàn Quốc vừa ký biên bản ghi nhớ phối hợp truyền thông phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ), giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh (HS), sinh viên Việt Nam. Trớ trêu thay, biên bản ký kết diễn ra được 2 ngày thì mạng xã hội "dậy sóng" vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị lột đồ, đánh ngay trong lớp học đến mức phải nhập viện tâm thần.
Ngày càng nghiêm trọng
Trước đó, để hạn chế tối đa BLHĐ, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, tình trạng BLHĐ vẫn rất nhức nhối với độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ngày 31-3 đã thừa nhận BLHĐ đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại hội thảo về vấn đề chống BLHĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, Bộ GD-ĐT cho hay sau gần 2 năm triển khai NĐ số 80/2017/NĐ-CP cũng như quyết định của Bộ GD-ĐT về phòng chống BLHĐ, các cơ sở giáo dục đều có kế hoạch triển khai nhưng hầu hết còn bê nguyên xi nội dung văn bản của bộ, không đáp ứng được yêu cầu kế hoạch. Khảo sát thực tế cho thấy các cơ sở giáo dục cũng chưa nắm sát về số liệu, tình hình BLHĐ. Đơn cử như năm học 2017-2018, báo cáo của ngành GD-ĐT cả nước gửi về Bộ GD-ĐT, BLHĐ xảy ra khoảng vài trăm vụ. Thế nhưng, theo thống kê của ngành công an, số vụ liên quan đến BLHĐ là hơn 2.000, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, thẳng thắn cho rằng Bộ GD-ĐT đã có nhiều chỉ đạo nhưng vẫn chưa thật quyết liệt đeo bám những sáng kiến ngăn chặn BLHĐ và kết quả. Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn cho rằng cần phải xem xét việc quán triệt các quy định về phòng chống BLHĐ này đã đến địa phương, giáo viên (GV) chưa? Các cấp quản lý ở huyện, xã đã vào cuộc chưa, kiểm tra giám sát chưa?
Nữ sinh lớp 7 bị nhóm bạn bắt quỳ, tát vào mặt. (Ảnh cắt từ clip)
Thiếu trách nhiệm của gia đình, nhà trường
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, từ vụ việc ở Hưng Yên có thể thấy những HS đánh bạn, quay clip không hiểu biết pháp luật, không ý thức được việc làm của mình sai thế nào và phải chịu trách nhiệm ra sao. Lâu nay, chúng ta mới nói đến kỹ năng sống nhưng chưa nói đến giá trị sống. HS chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng. Việc các thầy cô giáo chỉ tập trung vào giảng dạy, ít có thời gian quan tâm đến giáo dục, uốn nắn HS trên lớp, những xung đột nhỏ không được thầy cô quan tâm giải quyết kịp thời... cũng chính là nguy cơ dẫn đến BLHĐ.
"Cách xử lý không thấu đáo, không sáng suốt của GV chủ nhiệm, ban giám hiệu trước BLHĐ sẽ tiếp tục dung túng cho những hành vi sai phạm sau này" - ông Lâm nói. Theo ông Lâm, trong các nhà trường phổ thông, thầy cô giáo không chỉ là người dạy kiến thức văn hóa mà cần là những nhà GD. Để được như vậy, GV phải được trang bị kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi, nhà trường phải đề cao công tác chủ nhiệm để GV chủ nhiệm sát sao, nắm bắt những biểu hiện khác lạ của HS và kịp thời can thiệp, chấn chỉnh.
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh BLHĐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, đòi hỏi gia đình và GV cần quan tâm hơn nữa đến con em mình. Bất cứ hành vi khác thường nào khi trẻ đi học về cần quan tâm chú ý, chia sẻ để hạn chế những vụ việc tương tự. "Trong một hội nghị toàn quốc về phòng chống BLHĐ, có đại biểu nêu kinh nghiệm ngăn chặn BLHĐ của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp rất hay khi có sự hợp tác giữa ngành GD-ĐT và công an địa phương hình thành đường dây nóng. Nếu có dấu hiệu bạo lực trong trường, HS có thể tố giác cho cơ quan công an xã hoặc phường. Biện pháp này có tác dụng phòng ngừa hiệu quả..." - ông Vinh dẫn chứng.
Mời bạn đọc "hiến kế"
Vì sao thời gian qua xảy ra nhiều vụ BLHĐ nghiêm trọng dù Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về môi trường giáo dục an toàn? Cần giải pháp gì, quy trình ra sao để ngăn chặn tình trạng BLHĐ? Cần sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa phụ huynh và nhà trường ra sao?
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Giải pháp nào ngăn chặn BLHĐ?" với mong muốn bạn đọc đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực, sát với thực tiễn và khả thi, giúp cho ngành giáo dục sớm tìm ra giải pháp xử lý triệt để tình trạng BLHĐ. Bài vở gửi về: bandoc@nld.com.vn.
Một nữ sinh bị nhóm bạn bắt quỳ, tát vào mặt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 1-4, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết sở đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu xác minh, xử lý việc một nữ sinh lớp 7 bị bạn bắt quỳ xin lỗi, tát vào mặt.
Sáng cùng ngày, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video dài hơn 2 phút có cảnh một nữ sinh quỳ gối và bị một nữ sinh khác xông vào nắm tóc, tát vào mặt. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Diễn Châu, sự việc xảy ra vào ngày 31-3. Do có mâu thuẫn từ trước, 5 học sinh Trường THCS Diễn Hùng và Trường THCS Diễn Kim đã bắt em H.T.P.Th (lớp 7 Trường THCS Diễn Hùng) quỳ gối xin lỗi, tát vào mặt. Phòng đã giao nhà trường yêu cầu các học sinh liên quan viết tường trình.
Đ.Ngọc
Bình luận (0)