Không phải đến khi vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị lột đồ, đánh hội đồng dã man thì bạo lực học đường (BLHĐ) mới được chú ý nhiều đến thế. Thực tế, có rất nhiều vụ việc BLHĐ đã và đang xảy ra theo nhiều cách khác nhau, công khai hoặc ngấm ngầm và ngày càng đáng sợ với cả quy mô lẫn hình thức.
31 năm, giữ khư khư một quy định
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông - Trường Đại học Sư phạm TP HCM về "Hành động phản ứng nếu là nạn nhân của BLHĐ", trong 297 phiếu khảo sát thu về có tới 29,6% ý kiến học sinh (HS) trả lời sẽ đánh lại bạn, 38,8% phản ứng tức thời bằng cách nói lại bạn và 36,7% về nhà nói với người thân. So sánh giữa các cấp học, HS THPT có khuynh hướng dùng vũ lực đáp trả nhiều hơn HS THCS (35,1% so với 20,3%). Có 82,5% ý kiến HS chọn nguyên nhân của BLHĐ là do tính hiếu thắng, tiếp đó là tính hùa theo các bạn khác chiếm tỉ lệ 71,1%.
Nhóm khảo sát cho rằng lứa tuổi HS phổ thông vốn rất dễ hưởng ứng phong trào, chịu sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau, nhanh tiếp thu những tiêu cực của môi trường xung quanh. Đáng nói là không nhiều phụ huynh lưu ý đến việc giáo dục cho con em về vấn đề BLHĐ để trẻ có thể tự chủ trong hành vi giao tiếp với bạn bè, tránh những xung đột trong quan hệ qua lại.
Đại diện nhiều trường THPT cho rằng Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 21-3-1988 về khen thưởng, kỷ luật HS, đến nay đã 31 năm nhưng vẫn không được cập nhật, thay đổi trong khi những điều kiện, tình hình trong trường học, tâm lý HS hiện nay đã khác trước rất nhiều. Dù thông tư này đã lạc hậu nhưng lại là cơ sở pháp lý cao nhất để các trường áp dụng nên rất khó răn đe HS. Có những điểm vô lý như chỉ kỷ luật khiển trách trước lớp đối với hành vi nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề), hút thuốc lá. Cao nhất của hình thức kỷ luật theo thông tư này là đuổi học 1 năm nhưng sau 1 năm, HS mất hẳn một giai đoạn học tập, khi đi học lại thì thầy cô thêm cực vì mất thời gian dò bài. Hơn nữa, trong khoảng thời gian bị đuổi học, HS sinh tâm lý chán nản, ham chơi và càng dễ sa ngã.
Các buổi tuyên truyền về pháp luật, phòng chống BLHĐ… sẽ từng bước giúp ngăn chặn BLHĐẢnh: Duy Thanh
Xem lại thước đo đạo đức
Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng quy chế đánh giá - xếp loại HS đã lạc hậu, giáo viên tư vấn học đường thiếu, sự thờ ơ của gia đình và ảnh hưởng từ xã hội khiến BLHĐ ngày càng phức tạp.
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP HCM), cho biết có thực tế trong thế giới phẳng như hiện nay, việc HS bị ảnh hưởng, tác động bởi nhiều luồng thông tin, vừa tốt vừa xấu là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, trong nhà trường, nếu chẳng may là nạn nhân của BLHĐ, HS không biết tìm đến ai. Đã bao nhiêu giáo viên (GV) thực sự tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em? Bao nhiêu hiệu trưởng mở cửa phòng để có chuyện gì, HS có nơi để tìm đến chia sẻ, tư vấn…? Đó là chưa kể, GV còn quá thiếu kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, nhất là đội ngũ GV trẻ. "Nhiều GV chỉ dạy cho xong nhiệm vụ, cho rằng giáo dục đạo đức thuộc trách nhiệm của môn giáo dục công dân chứ không phải là môn học của mình" - ông Hải nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3, TP HCM cho rằng cần xem lại thước đo về đạo đức, không những trong nhà trường mà còn ngoài xã hội. Đạo đức HS như thế đã đúng chưa? Phải giáo dục cái gì, dạy cái gì, thước đo nào chứ không phải cứ xếp hạng hạnh kiểm tốt, khá là đạt. Phụ huynh cũng phải chung tay với nhà trường.
Cô Minh Thu, giáo viên môn giáo dục công dân tại một trường THPT ở quận 7, TP HCM cho rằng hiện chúng ta đang giáo dục đạo đức cho HS không giống ai. Cụ thể, chương trình môn giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 12 cả tuần chỉ có 1 tiết. Trong khi đó, từ lớp 6 đến lớp 9 thiên về giáo dục đạo đức với thời lượng học 2/3, 1/3 dành cho pháp luật; bậc THPT thì ngược lại, 2/3 thời lượng học về pháp luật. Công tác tư vấn trường học lại không hiệu quả khi GV phải kiêm nhiệm, nhiều trường còn giao phó hết cho thầy cô phụ trách đoàn, hội.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp đã cụ thể hóa việc ngăn chặn BLHĐ bằng nhiều hình thức và triển khai đến cán bộ chủ chốt trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở.
Là một trong những địa phương chú trọng việc kéo giảm BLHĐ, Phòng GD-ĐT huyện Lấp Vò đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngành giáo dục huyện quán triệt đến từng trường học thường xuyên tổ chức nhiều buổi sinh hoạt cho HS với chủ đề "Tiên học lễ, hậu học văn"; "Xây dựng tình bạn đẹp - Phòng, chống BLHĐ"; xây dựng tốt mối quan hệ giữa "nhà trường - gia đình - xã hội"; xây dựng tổ tư vấn tâm lý học đường... Nếu có trường hợp HS đánh nhau, ban giám hiệu nhà trường sẽ vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, gặp gỡ, giải tỏa mâu thuẫn kịp thời.
Ông Huỳnh Trung Tính, Phó Phòng GD-ĐT huyện Lấp Vò, chia sẻ: "Chống BLHĐ đồng nghĩa với việc tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, văn hóa trường học, kỹ năng sống qua lăng kính văn hóa. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tiết học tập thể, câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật... vừa tạo sân chơi giúp HS có cơ hội thể hiện mình, đồng thời tăng mối đoàn kết trong cộng đồng HS, từng bước ngăn chặn BLHĐ... Với hàng loạt nỗ lực xây dựng văn hóa học đường, bước đầu ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt như đạo đức, văn hóa của HS".
D.Thanh
Bình luận (0)