Bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam và quốc gia nào cũng có chính sách ngăn chặn BLHĐ. BLHĐ diễn ra dưới nhiều hình thức, nhiều loại đối tượng tham gia, trong mối quan hệ học sinh (HS) với HS, giáo viên (GV) với HS, phụ huynh với GV…
Dư luận đã bàn nhiều về nguyên nhân, như: tâm lý lứa tuổi; thiếu quan tâm của gia đình, GV; ảnh hưởng của truyền thông, phim ảnh bạo lực, mạng xã hội; điều kiện kinh tế và hoàn cảnh gia đình (GĐ) của HS… Vấn đề là bài học rút ra cho từng bên liên quan sẽ là gì.
Mẫu mực trong cách sống
Về phía GĐ, hầu hết HS bị bạo hành và HS bạo hành bạn thiếu sự chăm lo, quan tâm sâu sát của GĐ, có phụ huynh còn phó mặc cho nhà trường vì mải lo mưu sinh. Mặt khác, HS có thói quen sử dụng bạo lực, phần lớn được nuôi dưỡng trong GĐ bất hòa, hay cãi cọ, đánh nhau khiến trẻ mất lòng tin ngay từ trong GĐ và tiêm nhiễm thói hư tật xấu của cha mẹ. Vì thế, bài học trong GĐ là cha mẹ phải làm gương trong cách sống, ứng xử trong tình thương yêu, biết làm bạn với con trẻ để sớm nắm bắt được những thay đổi về tâm tư, tình cảm của con em mình rồi tìm cách động viên và hóa giải bức xúc.
Về phía nhà trường, trách nhiệm rất lớn trong việc dạy dỗ HS nên người. Vì thế, mỗi GV và cán bộ quản lý phải là tấm gương đạo đức trước HS và đồng nghiệp. GV phải được đào tạo nghiệp vụ để sớm nắm bắt tình huống có thể gây ra bạo lực, ứng xử một cách công bằng và tôn trọng HS. Nhà trường, cần thiết lập mối liên hệ thường xuyên với GĐ HS, tổ chức các hoạt động tập thể nâng cao rèn luyện kỹ năng mềm, sớm chia tách các nhóm HS có dấu hiệu nghiện ngập hay chơi game, thích bạo lực.
Đồng thời, rất cần xem xét lại hoạt động của đội ngũ Sao đỏ. Không thể dùng đội ngũ này như những cảnh sát trường học để theo dõi, báo cáo vi phạm của bạn học cho GV rồi đưa vào xếp hạng thi đua, gây ra mất đoàn kết giữa các HS, giữa lớp này với lớp khác. Công việc này là của GV. Việc khen thưởng và kỷ luật trong nhà trường đều phải thực hiện nghiêm minh, có tình có lý, với mục đích kỷ luật cũng là cách để giáo dục HS hoàn thiện nhân cách chứ không vì thành tích thi đua.
Một nữ sinh THCS ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị nhóm bạn học vây đánh, tát liên tục. (Ảnh cắt từ clip)
Cả xã hội phải vào cuộc
Về phía cơ quan quản lý giáo dục, chịu trách nhiệm chính trị lớn nhất trong việc xây dựng chính sách, đưa ra các giải pháp thực tế ngăn chặn BLHĐ và phổ biến kinh nghiệm ra cả nước những nơi có bài học hay về phòng, chống BLHĐ. Ví dụ, cách đây chừng 3 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp có kinh nghiệm rất hay về việc ngành giáo dục ký hợp tác với ngành công an để thiết lập đường dây nóng cho HS và GV phản ánh những nguy cơ bạo lực. Nhờ vậy, tỉnh này đã ngăn chặn được nguy cơ BLHĐ khá tốt. Rất tiếc, ý kiến này tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống BLHĐ đã không chính thức đưa vào chỉ đạo, kiểm tra thực hiện ở các địa phương khác.
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nước ngoài để bảo đảm chính sách có tính hệ thống và khả thi hơn. Ngoài ra, chương trình giáo dục cần đổi mới để tăng cường giáo dục các giá trị cho HS, tôn trọng quyền con người, ý thức dân chủ, các kỹ năng xử lý xung đột... Chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý cũng cần được chú trọng nội dung này. Cuối cùng, cơ quan làm chính sách phải ban hành các tiêu chuẩn về trường lớp, điều kiện làm việc, đãi ngộ GV.
Về phía xã hội, cần có cái nhìn đúng đắn và tôn trọng đội ngũ GV, đừng vì một số GV vi phạm đạo đức mà quy kết cho cả nền giáo dục. Điều đó càng gây ra mất lòng tin vào nhà trường trong việc dạy dỗ con em mình. Mặt khác, pháp luật phải tuyệt đối tôn trọng, không thể để hiện tượng vi phạm pháp luật, gây mất công bằng trong xã hội làm giảm lòng tin của HS và mất các định hướng giá trị. Truyền thông cũng phải hạn chế và chấm dứt đưa những thông tin, hình ảnh bạo lực trong xã hội. Việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như những hướng dẫn của các cơ quan quản lý là một điểm tích cực nhưng những văn bản ấy có khả thi và có đi vào cuộc sống hay không thì cơ quan chức năng cần rà soát lại và có những hành động thực tế hơn.
Bình luận (0)