Muốn phục hồi nhanh sau đại dịch, TP HCM phải có chiến lược cũng như kế hoạch mang tính đột phá. Dưới góc nhìn vĩ mô hơn, cần nhanh chóng tạo điều kiện cho dòng vốn chảy vào thị trường, cũng là dòng máu lưu thông trong huyết mạch của nền kinh tế.
Phát huy vai trò thành phố đầu tàu
Đó chính là việc quan tâm và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ hơn bởi nơi đây các doanh nghiệp có thể huy động vốn mà không quá phụ thuộc vào ngân hàng. Qua đó sẽ từng bước vực dậy hoạt động của các doanh nghiệp, mở đường cho đồng tiền đến đúng nơi cần đến.
TP HCM là nơi thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động sôi động nhất, quy tụ hệ thống các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán lớn và là một điểm đến quan trọng cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu, tham gia vào thị trường nước ta. Cần tiếp tục phát huy vai trò thành phố đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Khi thành phố chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, đó là một thách thức không nhỏ đối với toàn nền kinh tế nhưng lại là một cơ hội, một phép thử sức chống chịu của thành phố, cũng là để chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy được sức mạnh cũng như nội tại của nền kinh tế đất nước.
Cần quan tâm và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ hơn để từng bước vực dậy hoạt động của các doanh nghiệpẢnh: Hoàng Triều
Các biện pháp cần triển khai
Việc đầu tiên cần làm ngay là chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy TP HCM sẵn sàng hoạt động trở lại thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn cả lúc chưa có đại dịch. Đó chính là phát triển công nghệ thông tin, phần mềm, phát triển các công cụ tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn để thị trường chứng khoán HoSE hoạt động thông suốt, thu hút thêm các nhà đầu tư mới vào thị trường.
Tăng cường truyền thông đến các nhà đầu tư về tình trạng của thị trường. Điều đó giúp sàn giao dịch cũng như các công ty chứng khoán chủ động hơn với những biến động của thị trường, tránh hoặc giảm thiểu việc ngồi chơi xơi nước, chờ đợi mỗi khi nghẽn lệnh. Song song đó, tăng cường các biện pháp thay thế, phát triển thêm các công cụ, nới lỏng hoặc có biện pháp thoải mái hơn cho các giao dịch trên thị trường nhằm kéo dòng vốn đầu tư trở lại sau khi chúng ta kiểm soát được dịch. Chứng tỏ cho các nhà đầu tư quốc tế thấy được vị thế và tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán nước ta, trong đó có các doanh nghiệp của TP HCM.
Tác động của dịch bệnh đến TP HCM không hề nhỏ nhưng cần giữ tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư. Các biện pháp có thể triển khai là vấn đề phí, phương thức giao dịch, tăng cường giao dịch trực tuyến; tăng cường phối hợp với các công ty chứng khoán để gia tăng thanh khoản, giúp thị trường hoạt động thông suốt hơn.
Đặc biệt, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi bỏ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và giao dịch trên sàn HoSE nói riêng. Từ hoàn thiện thể chế bằng tư duy đột phá cho đến sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để các thị trường liên kết với nhau hoạt động thông suốt và phát triển nhịp nhàng hơn như thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm, qua đó xây dựng nên cấu trúc các thị trường ở TP HCM hoàn chỉnh hơn, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Để làm được những điều này, cần sự phối hợp mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, bảo đảm thực thi pháp luật, sự công khai, minh bạch của thị trường; hợp tác với các thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế, học tập kinh nghiệm, giải pháp của các nước bạn đối phó với dịch bệnh và phục hồi sau dịch bệnh.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Hộp thư cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế"
Ban Tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 đã nhận được bài dự thi của các tác giả: TP HCM: Nguyễn Văn Nhuận, Lưu Đình Long, Đào Đình Tuấn, Phan Quốc Anh, Lê Nữ Ngọc Cương, Mai Đức Bổng, Chung Thanh Huy, Mai Thị Trang, Mai Đức Dũng, Trần Văn Trãi; Long An: Tú Nguyên (Nguyễn Minh Út); Trà Vinh: Thanh Vân; Đồng Tháp: Nguyễn Ngọc Diễm; An Giang: Lê Tấn Thời; Bình Dương: Mai Thị Nhung; Đắk Lắk: Phạm Đình Tưởng; Thừa Thiên - Huế: Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Văn Toàn; Thanh Hóa: Vũ Thị Bích Loan; Hà Nội: Nguyễn Văn Công; Bắc Giang: Thân Việt Kiên.
Ban Tổ chức đã và đang chọn đăng một số tác phẩm có chất lượng đúng tiêu chí của cuộc thi trên Người Lao Động báo in và đăng lại trên Báo Người Lao Động điện tử. Trân trọng cảm ơn các tác giả và mong nhận được nhiều tác phẩm dự thi của các tác giả trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài.
Bình luận (0)