Cơn sốt Pokémon GO đã “lây lan” ở nhiều nơi trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Một tháng qua, hình ảnh những tín đồ yêu thích trò chơi này mải mê cầm điện thoại di động (ĐTDĐ) để săn Pokémon đã trở nên quen thuộc. Không chỉ những người đi bộ mà cả nhiều người đi xe máy cũng say sưa với ĐTDĐ để truy tìm Pokémon.
Sức hút từ sự tương tác
Dưới góc độ trò chơi và tâm lý trong trò chơi, Pokémon GO có chiến thuật khá đơn giản. Đây là trò chơi đầu tiên sử dụng thành công ứng dụng tương tác thực tế ảo (augmented reality). Điểm mấu chốt ở đây là sự kết hợp giữa một thế giới ảo của những con vật tưởng tượng được lồng ghép trên thực tế quen thuộc là các địa điểm địa lý. Chính sự kết hợp giữa tâm lý cạnh tranh với những thách thức và nguy hiểm khó dự đoán đối người chơi đã làm trò chơi Pokémon GO trở nên tuyệt hay với người chơi.
Mải mê bắt Pokémon ở Công viên Tao Đàn, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tâm lý săn đuổi, ăn thua, khám phá, tính cạnh tranh và tích góp với tần suất tăng dần cũng là nhân tố gây nên sức hấp dẫn của trò chơi này. Thực tế là luôn luôn có một con thú mới để thuần phục; một địa điểm mới, một bản đồ mới cần khám phá. Điều này dễ khiến người chơi có tâm lý cố thêm một chút để được thêm một chút và dần dần có hành vi nghiện.
Pokémon GO mang tính tương tác khá cao. Người chơi thảo luận về cách thức huấn luyện các con thú. Khi cùng có mặt tại địa điểm đó, người chơi cũng cần nhanh tay nhanh chân vì nếu có Pokémon xuất hiện thì ai đến trước thì bắt được, chậm là mất. Bản lĩnh, kinh nghiệm và chiến thắng hay những thủ thuật cũng như những câu chuyện phiếm trở thành đề tài bất tận…
Hiểm họa khó lường
Ngay từ khi ra mắt, Pokémon GO nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi. Ngoài lợi ích giải trí, số vụ tai nạn, thương vong ngày một tăng cho thấy mặt trái của trò chơi này.
Đầu tiên, trò chơi này khá mất thời gian, nếu cứ chơi cho vui và chưa trở thành tay săn chuyên nghiệp thì mỗi ngày một người chơi có thể mất từ 2-3 giờ để lên khoảng 3 level (mức độ). Với học sinh, ngoài việc có thể chọn sai mục tiêu và hoạt động trọng điểm, vô hình trung làm xuất hiện tư tưởng không cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ, ông bà khi chơi là tất cả. Nhiều bạn có thể tha hồ nói năng thô tục trên mạng xã hội với bất cứ ai chúng thấy ghét mà không hề nhận biết được đâu là hành vi sai trái. Thoải mái, vô tư săn đuổi mà quên rằng chính mình đang trở thành nạn nhân bị “săn” của chính trò chơi…
Thứ hai, dễ dàng nhận thấy một vấn đề nan giải là an toàn giao thông khi chơi Pokémon GO. Khi người chơi cứ lăm lăm ĐTDĐ để đi săn, khi người chơi chạy xe bằng một tay, khi người chơi cứ mải miết suy nghĩ về chiến thuật và dự báo tình hình săn thú liệu điều gì sẽ xảy ra? Và như thế là nguy cơ tai nạn, nguy cơ lưu thông có thể trở thành hệ lụy. Đau xót nhất là người vô can lại bị cuốn vào vòng xoáy của kiểu lưu thông lệ thuộc trò chơi thì thật đau lòng…
Thứ ba, những nghiên cứu cho thấy nguy cơ tiềm ẩn hành vi cướp giật là khá cao và còn có thể gây tai nạn nghiêm trọng cho nhiều người từ việc đưa ĐTDĐ ra bên ngoài trên đường phố.
Thứ tư, cơn sốt này sẽ gây nghiện cho người chơi. Hành vi nghiện Pokémon GO có thể gây ra ảo giác và mất an toàn cho người chơi. Bên cạnh đó, việc mâu thuẫn về quan hệ vợ chồng, quan hệ gia đình khi có những can thiệp hay những động thái liên quan đến hành vi chơi sẽ làm cho những hệ lụy khác nảy sinh... Những phân tích sâu hơn cho thấy trò chơi bị đánh giá là ảnh hưởng đến cả vấn đề an ninh khi sự tụ tập đã tồn tại và những hệ lụy sâu sắc có nguy cơ xuất hiện. Ngoài ra, còn cả những kiểu hành vi tác động hay tấn công vào an ninh mạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Khuyến cáo cẩn trọng, cân nhắc xử lý
Những động thái ngay lập tức hay có chiến lược đang được cân nhắc và áp dụng ở một số quốc gia. Malaysia cấm học sinh chơi Pokémon GO trong trường kể từ ngày 7-8. Tại Indonesia, việc ban hành lệnh cấm tương tự đang được xem xét. Ngay tại quê hương của Pokémon GO (Nhật Bản), nhiều trường học không những cấm mà còn tuyên bố sẽ đuổi học những học sinh, sinh viên chơi tại trường.
Việc xử lý thế nào với Pokémon GO Việt Nam không phải là vấn đề đơn giản. Những người có trách nhiệm và quan tâm đến vấn đề này cũng đang cân nhắc và xử lý trò chơi này. Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: “Pokémon GO mới được phát hành ở Việt Nam trong một thời gian tương đối ngắn nên vẫn cần thêm thời gian để đánh giá được tác động của trò chơi này, đặc biệt là tác động tiêu cực đến xã hội, đến người chơi, nhất là giới trẻ. Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có quyết định nên cấm hay không. Còn hiện tại, bộ chủ trương đưa ra những khuyến cáo để cẩn trọng trước trò chơi”.
Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, đã phân tích về trò chơi Pokémon trong mối quan hệ rộng với an ninh mạng như là vấn đề quan trọng cần xem xét của cơ quan chức năng trong phần trả lời cử tri. Vấn đề còn lại vẫn là ý thức của mỗi người. Cuộc sống còn lắm niềm vui, đừng vì chưa đủ bản lĩnh mà buông rơi bản thân theo kiểu chơi rất vui nhưng cũng đầy nguy cơ, lắm hệ lụy cho chính mình.
(*) Bài viết có sử dụng dữ liệu của một số nguồn dẫn (Reuter, Zing, NLĐ)
Khuyến cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 17-8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có văn bản gửi các cơ quan báo chí khuyến cáo người chơi Pokémon GO tuân thủ 5 nguyên tắc sau:
Pokemon GO là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng. Cần lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên điện thoại chơi Pokémon GO. Kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokémon GO. Không chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm... Không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm.
Trong khi đó, đại diện Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết dự tính đề xuất cấm tụ tập chơi những trò nguy hiểm như Pokémon GO ở những nơi nguy hiểm sau sự việc một bà mẹ trẻ được cho là mải chơi trò này nên để gió cuốn xe nôi có con trai 1 tuổi xuống Hồ Xuân Hương ngày 15-8, may mà có người kịp cứu đứa bé. B.Trân - Đ.Thi
BẠN TRẺ NÓI VỀ POKÉMON GO
KHƯU NGUYỄN PHƯƠNG TÂM (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen):
Mang lại cảm giác mới mẻ
Đây là trò chơi thực tế ảo mang lại cảm giác mới mẻ thu hút người chơi, người chơi đi ra ngoài tương tác với môi trường thay vì ngồi một chỗ như chơi game trước đây. Trò chơi này cũng rất thú vị ở chỗ có tính tương tác cao giữa game với người chơi, giữa game và môi trường xung quanh và giữa người chơi với nhau. Bạn phải đi trên thực tế thì mới bắt được Pokémon. Bạn có thể nuôi những con vật ảo từ nhỏ đến trưởng thành, sử dụng chúng để đấu với các người chơi khác.
NGUYỄN THỊ TƯỜNG VY (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Hồng Bàng):
Nguy hiểm cho người chơi
Bản thân tôi không chơi game Pokémon GO vì game này khá nguy hiểm cho người chơi. Khi mình cắm cúi vừa đi vừa chơi game như vậy rất dễ bị tai nạn giao thông hay thu hút kẻ xấu cướp giật tài sản. Nhiều người mải mê chơi game, sống ảo mà không còn quan tâm, giao tiếp với bạn bè, người thân của mình nữa. Bạn bè có người ham mê chơi game này tới mức bỏ bê, sao nhãng việc học hành. Đó là chưa kể nhiều khi người chơi mải mê đuổi theo Pokémon sẽ vô tình bị dẫn đến những khu vực nguy hiểm, khu vực cấm để bắt Pokémon.
NGUYỄN HOÀNG THỊNH (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin):
Không nên mê say thái quá
Pokémon GO là một trò chơi tương tác, giúp người chơi và bạn bè, người thân kết nối với nhau. Trò này cũng đòi hỏi người chơi luôn có sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng và thông minh. Việc chơi trò này xấu hay tốt đều do chính người chơi quyết định. Nếu người chơi biết kiểm soát bản thân, chơi điều độ thì đúng nghĩa là trò thư giãn, còn say mê thái quá thì lại có nhiều hậu quả khôn lường.
Quốc Chiến ghi
Nhiều nước đã “cấm cửa” hẳn Pokémon GO hoặc cấm học sinh chơi tại trường học, trong khi Việt Nam còn cần thêm thời gian để đánh giá tác động của nó.
Vậy chúng ta nên xử lý thế nào với Pokémon GO? Báo Người Lao Động mở diễn đàn để rộng đường dư luận và hy vọng bạn đọc sẽ đề xuất những giải pháp phù hợp.
Trân trọng mời bạn đọc góp ý qua các bình luận sau các bài viết hoặc gửi về địa chỉ: bandoc@nld.com.vn; toasoan@nld.com.vn.
Bình luận (0)