Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 59), có hiệu lực từ ngày 15-2-2016, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Cụ thể, bên cạnh những quy định cũ về điều kiện để người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ ốm đau (NLĐ bị ốm đau, tai nạn rủi ro, con dưới 7 tuổi bị ốm đau), Thông tư 59 còn quy định rõ ràng và chi tiết hơn về điều kiện của tai nạn. Theo đó, “NLĐ bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động (TNLĐ) hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc”.
Đồng thời, Thông tư 59 bổ sung các trường hợp không được hưởng chế độ ốm đau, như: NLĐ bị ốm đau, tai nạn do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền ma túy; NLĐ nghỉ điều trị lần đầu do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải TNLĐ trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, nghỉ hưởng chế độ thai sản. Trường hợp lao động nữ đi làm trong thời gian thai sản mà bị ốm đau hoặc có con bị ốm đau thì vẫn được hưởng chế độ.
Thông tư 59 cũng quy định cụ thể thời gian hưởng chế độ ốm đau trong 1 năm, ốm đau trong thời gian nghỉ phép, ốm nghỉ từ năm này sang năm khác; quy định mức lương hưởng chế độ ốm đau của NLĐ…
Về điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau: Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; đối với chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con. Trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH.
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định của Luật BHXH.
Thông tư 59 cũng hướng dẫn thời gian hưởng chế độ thai sản khi mang thai đôi; nhận con nuôi; thai chết lưu; sau khi sinh, con chết hoặc trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ…
Bình luận (0)