xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Ra quân” xong... đâu lại vào đó!

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Sau các đợt cao điểm xử phạt, vi phạm vẫn tiếp diễn, liệu các đợt “ra quân” có đem lại hiệu quả hay chỉ là phong trào, hình thức?

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của TP HCM tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ nhằm xử phạt xe quá tải, xe mù, ô tô dừng đón trả khách sai quy định, học sinh không đội nón bảo hiểm; tổ chức tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chống hàng gian, hàng giả...

Thản nhiên vi phạm

Sau mỗi đợt ra quân ở mỗi lĩnh vực, những vi phạm thường gặp đã giảm đáng kể, nhiều hoạt động đi vào nền nếp. Tuy nhiên, chỉ sau đó một thời gian ngắn, tình hình dường như trở lại như cũ.

Nhiều phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con em khi đi xe máy. (Ảnh chụp trước Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM)
Nhiều phụ huynh không đội nón bảo hiểm cho con em khi đi xe máy. (Ảnh chụp trước Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM)

Tháng 6-2015, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức đợt tăng cường xử phạt xe khách đón trả khách sai quy định. Theo đó, các tuyến đường như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Lê Lai (quận 1)... được tăng cường kiểm tra để xử phạt các xe khách hoạt động trá hình. Tối 1-12, trên đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai..., chúng tôi ghi nhận có hơn chục ô tô khách đang đậu bên đường, nhân viên khuân vác liên tục qua lại bỏ hàng vào thùng xe khiến dòng phương tiện lưu thông phải khựng lại. Tương tự, các tuyến đường như Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân)... cũng xuất hiện tình trạng xe dừng đón trả khách khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Đợt ra quân xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em được tổ chức rầm rộ tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có TP HCM, từ ngày 10-4. Trưa 2-12, có mặt tại cổng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), chúng tôi ghi nhận đa số phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em. Nhiều phụ huynh của Trường THCS Minh Đức (đường Nguyễn Thái Học, quận 1) cũng vô tư chở con khi đầu trần.

Sau hơn 1 tháng (từ tháng 11-2015) lực lượng CSGT TP HCM mở đợt cao điểm xử phạt xe không bảo đảm kết cấu (người dân gọi là xe mù, xế độ), Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết đã xử phạt hành chính 5.162 trường hợp vi phạm, tạm giữ 2.766 phương tiện.

Ngày 3-12, tại một số tuyến đường ở quận 5 như Châu Văn Liêm, Hải Thượng Lãn Ông, Giang Tử..., chúng tôi ghi nhận xe mù vẫn thản nhiên lưu thông, chở hàng hóa.

Đừng tạo thói quen đối phó

Mục đích của các đợt ra quân là nhằm dồn sức đấu tranh, chấn chỉnh trật tự xã hội, đồng thời nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau các đợt cao điểm ra quân rầm rộ thì đâu lại vào đấy, người dân lại tiếp tục phàn nàn về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tràn lan, xe khách đón trả khách sai quy định, xe mù ngang nhiên chạy ngoài đường...

Qua đường dây nóng Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quang Nam (ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) bức xúc: “Hồi mới xử phạt xe đón trả khách sai quy định, đường phố trở lại thông thoáng, người dân đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, ít ngày sau đó, số lượng xe đậu trái quy định trên đường lại nhiều hơn trước khiến giao thông hỗn loạn. Tôi thấy nhà nước tốn tiền, mất thời gian tổ chức ra quân rầm rộ mà cuối cùng không đem lại hiệu quả, không khác gì bắt cóc bỏ dĩa”.

Phản ánh về tình trạng xe ben quá tải “đại náo” tại một số tuyến đường ở huyện Bình Chánh, bạn đọc Trần Hoài Nam (huyện Bình Chánh) đặt vấn đề liệu các đợt ra quân có đem lại hiệu quả thực sự hay chỉ là phong trào để làm “đẹp” báo cáo.

“Vì sao chúng ta cứ phải mở nhiều đợt ra quân rồi sau đó lại không duy trì được hiệu quả? Không đủ nhân sự, kinh phí để thực hiện lâu dài hay việc tổ chức theo kiểu phong trào, không phù hợp với công tác quản lý nhà nước? Bởi nói cho cùng, quản lý nhà nước là phải chuyên nghiệp, thường xuyên, liên tục, không thể làm theo đợt. Ví dụ, trong đợt cao điểm xử lý xe quá tải hoặc xe mù, đương nhiên người ta sẽ không dại gì vi phạm mà tạm thời lánh đi. Lực lượng chức năng vài ngày đầu còn có việc để làm, sau đó thì... rảnh rang vì tình hình đã tốt hơn. Hết mùa cao điểm, không ai kiểm tra và xử phạt, mọi việc trở lại như cũ. Như vậy, khác nào chúng ta tạo cho người dân tâm lý đối phó chứ không nhận thức được hành vi sai phạm”.

Từng nhiều lần gọi qua đường dây nóng Báo Người Lao Động cung cấp thông tin về trật tự xã hội, bạn đọc Nguyễn Minh Trí (quận Tân Bình) góp ý: “Điều cần làm là thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm để khơi dậy ý thức, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật cho người dân; đồng thời đem lại hiệu quả trong việc quản lý nhà nước, tránh được căn bệnh hình thức, thành tích”.

“Công việc quản lý nhà nước có hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực làm việc và ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, chứ không phải từ những lần “ra quân” - bạn đọc Nguyễn Minh Trí nhận định

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo