Theo chỉ đạo của Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an), những phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ hoặc gây tai nạn thì CSGT sẽ truy thêm việc xe đó đã được sang tên, đổi chủ theo quy định hay chưa. Nếu chưa làm thủ tục này, chủ xe sẽ bị xử phạt ngay theo đúng Nghị định 71: xe máy 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và ô tô 6-10 triệu đồng.
Không thỏa đáng
Anh Lê Thái Uyên, ngụ quận Đống Đa - Hà Nội, cho biết phải gom góp nhiều năm mới đủ tiền mua một chiếc ô tô cũ trị giá hơn 500 triệu đồng. Theo chỉ dẫn của bạn bè, anh và người bán chỉ ra công chứng làm thủ tục mua bán, chưa tiến hành sang tên, đổi chủ. “Tôi mua xe đã mấy tháng rồi, nếu chủ động làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì cũng có thể bị phạt 6-10 triệu đồng. Chưa kể, sau đó, tôi phải mất 12% phí sang tên, đổi chủ tức là tốn hơn 6 triệu đồng nữa” - anh Uyên lo lắng.
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII, thừa nhận việc tuyên truyền, xử phạt chưa tốt đã dẫn đến tình trạng người dân không nắm được quy định sang tên, đổi chủ phương tiện để chấp hành. “Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an), dù người dân có tự giác làm thủ tục sang tên, đổi chủ xe nhưng nếu CSGT phát hiện vi phạm quy định quá 30 ngày thì vẫn xử phạt. Điều này không thỏa đáng, không tạo điều kiện cho người dân thực hiện quy định” - anh Uyên nói.
Ông Nguyễn Văn Tuyên cho rằng xử phạt một hành vi đã có từ lâu nhưng người dân không chịu thực hiện thì không thể trì hoãn. Theo thượng tá Nguyễn Kim Hải, phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông C67, việc xử phạt đối với lỗi không sang tên, đổi chủ cơ bản vẫn như trước, không có chuyện CSGT ra quân kiểm tra, xử phạt chuyên đề với riêng lỗi này.
Ngại thủ tục
Ông Hải khẳng định quy định về việc sang tên, đổi chủ phương tiện được thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 36/2010 về đăng ký xe của Bộ Công an. Thông tư này quy định rõ trách nhiệm của chủ xe là phải chấp hành nghiêm chỉnh việc đưa phương tiện đến cơ quan đăng ký để được kiểm tra và nộp lệ phí, cấp biển số.
Theo đó, trong 10 ngày kể từ lúc bán (cho, tặng), người bán phải gửi thông báo đến cơ quan đang quản lý hồ sơ xe để theo dõi; trường hợp sang tên xe khác quận/huyện trong cùng một tỉnh/TP thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ phương tiện cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục. Trong 30 ngày kể từ lúc làm giấy tờ mua bán, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi. Giấy bán xe của cá nhân phải có chứng thực của UBND cấp xã với chữ ký của người bán. Ngoài ra, phải có chứng từ lệ phí trước bạ, biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước…
Xem xét giảm phí Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho rằng trong trường hợp xe đã được mua bán lòng vòng qua nhiều chủ mà người chủ sở hữu đầu tiên đã mất hoặc ra nước ngoài, không xác định được thì rất khó xử lý. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, sau một thời gian thực hiện Nghị định 71, các địa phương sẽ báo cáo những khó khăn để bộ nắm bắt và tìm cách tháo gỡ. Ngoài ra, ông Tuyên cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu giảm phí sang tên, đổi chủ đối với cả ô tô và xe máy, sao cho tới mức thấp nhất để khuyến khích người dân thực hiện. |
Bình luận (0)