Đầu năm học mới, thông tin về sách "Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục lớp 1" với nhiều thay đổi về cách đánh vần, nhiều bài học bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực nhưng đã được thí điểm ở 49 tỉnh, thành với 800.000 học sinh gây bức xúc dư luận.
Dù chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học, không phải SGK nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, cũng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng vì sao vẫn khiến phụ huynh bức xúc, lo lắng?
Theo bạn đọc Lê Hoàng Long, dạy đọc- viết tiếng Việt đã có từ rất lâu và đã chứng minh tính hiệu quả, không nên tốn thời gian nghiên cứu những vấn đề này nữa. Còn theo bạn đọc Long Vũ, vấn đề học tiếng Việt đang ổn, "hà cớ gì cứ thích cải cách, vừa tốn tiền ngân sách, vừa mất thời gian. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực giáo dục khác rất cần được ưu tiên thì chẳng mấy ai đề cập đến".
Nhiều bạn đọc cho rằng vấn đề cần cải cách chính là giảm tải chương trình học cho nhẹ nhàng, gắn với thực tiễn cuộc sống; phương pháp giảng dạy phải thật dễ hiểu để làm sao chất lượng giáo dục ngang tầm quốc tế. Tiếng Việt đã trong sáng và tiện dụng lắm rồi, sửa cách đánh vần, gây khó cho phụ huynh và học sinh thì được gì? "Tôi không hiểu các nhà giáo dục suy nghĩ như thế nào? Ngày xưa, từ những năm 1963-1964, khi đó tôi học lớp 1. Học thuộc bảng chữ cái, ghép vần. Thời kì 4.0 rồi, dạy lớp 1, 2, 3, 4, 5 phức tạp quá làm gì. Tôi học đại học trường tốp đầu nhưng không học toán, lý, hóa. Riêng toán cao cấp học một chút để phục vụ môn triết học. Đừng phức tạp quá chương trình học của các cháu"- bạn đọc Nguyễn Sỹ Hiến nêu ý kiến.
Bạn đọc cũng cho rằng làm giáo dục cần phải có tâm và có tầm đủ lớn. Con em chúng ta không phải là chuột bạch, càng không phải là bác học để năm nay học cách này, năm sau học cách khác. "Ngày xưa các vị học sách mà có được như hôm nay? Học sinh ngoài học chương trình ở trường còn phải học nhiều ở gia đình và xã hội, khi chúng có sự khác biệt nhau như vậy thì học sinh làm sao biết học theo cái nào? Nếu thấy sách cũ còn thiếu sót chỗ nào thì có thể góp ý hoặc chỉnh sửa chứ đừng cải cách làm khổ cả xã hội kiểu này"- bạn đọc YN bức xúc.
"Đề nghị đề án cải cách giáo dục phải được thông qua Quốc hội mới được thực hiện, cho dù là thí điểm. Giáo dục là "trồng người", liên quan đến nhiều thế hệ, quan trọng không kém các đề án kinh tế nhiều triệu đô. Đừng để thực nghiệm (bằng tiền thuế của dân) rồi như một sản phẩm đã lỡ sản xuất ra rồi bắt ép một bộ phận trẻ em phải tiếp nhận như sự đã rồi"- bạn đọc Trần đề nghị.
Bình luận (0)