Sai sót này vừa xảy ra hồi đầu tháng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, theo đó một bệnh nhân có nhóm máu B, cần được truyền máu, nhưng nữ hộ sinh lại lấy nhóm máu A để truyền làm bệnh nhân bị choáng, tụt huyết áp, nguy hiểm đến tính mạng. Rất may, nhầm lẫn được phát hiện ngay nên không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Nguyên nhân được xác định là do nữ hộ sinh đã bất cẩn không kiểm tra, đối chiếu trước khi thực hiện công việc nên đã nhầm lẫn với bệnh nhân khác có bệnh lý tương tự nằm cạnh giường.
Điều đáng lo ngại đây không phải là sự cố đầu tiên của ngành y, mà thời gian gần đây ngành này liên tiếp xảy ra những sai sót. Nào là bị gãy đốt sống, nhưng được chữa trị ở cẳng chân; bé trai sơ sinh tử vong với vết thương dài trên cổ (ở Hà Tĩnh)…khiến không ít bạn đọc trăn trở.
Bạn đọc Huỳnh Tuấn trăn trở: Xin lỗi ngành y nhé, xin thẳng thắn đề nghị cần phải tuyệt đối cấm y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh… dùng điện thoại khi làm việc. Vì sao ư? gần đây do có điện thoại thông minh nên không ít y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh…luôn "online" với cái điện thoại, do vậy bị phân tâm trong công việc.
"Nghề nào cũng vậy khi làm việc cần phải có sự tập trung, ngành y đòi hỏi phải tập trung cao độ hơn, phải tỉ mỉ, cẩn thận. Vì chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây hậu quả mất mạng con người.Tôi đã từng chứng kiến khi truyền dịch cho bệnh nhân, nhưng y tá mãi lo "ôm điện thoại" nên hết dịch truyền mà không biết... Đây là ý kiến chân thành mong ngành y có cách huấn luyện và các điều khoản nghiêm khắc khi làm việc để tránh những sai sót đáng tiếc" - Bạn đọc Huỳnh Tuấn, đề nghị.
Bạn đọc Hoàng Đạo viết: Nhân chuyện truyền nhầm máu cũng xin có ý kiến, nên chăng ghi rõ nhóm máu vào thẻ bảo hiểm y tế; khi cần là biết ngay, khỏi phải xét nghiệm.
Bạn đọc "Kiệt Ròm" bộc bạch: "Chỉ là sơ suất thôi mà, lần sau rút kinh nghiệm"; nói "vui" vậy chứ mong sao không còn phải cứ liên tiếp nghe những chuyện như thế này nữa. Bạn đọc K.N nhắn gửi: Mong Bộ y tế sớm tập trung chấn chỉnh để hạn chế đến mức thấp nhất những "sự cố y khoa". Hơn cả, việc sai sót cũng không thể đổ hết lỗi cho cấp dưới mà phải nhìn lại tổng thể quy trình để tìm ra lỗ hổng thì mới mong trị tận gốc những sai sót không đáng có.
Bình luận (0)