“Khó hiểu”, “kỳ quặc”, “xem thường người dân”... là những cảm xúc mà nhiều bạn đọc đã gửi đến Báo Người Lao Động sau khi biết thông tin công ty này tiếp tục được hoạt động dù bị bắt quả tang xả bẩn ra môi trường đến lần thứ... 10. Sự ngoan cố của công ty Hào Dương như thách thức dư luận và minh chứng cho sự yếu kém của các cơ quan chức năng xử lý về ô nhiễm môi trường.
Để lâu... hóa bùn
Trước thông tin Công ty Hào Dương gây ô nhiễm môi trường nhưng chỉ bị xử phạt, nhiều bạn đọc đã bức xúc: “Các cơ quan chức năng đã quá nuông chiều công ty này mà xem nhẹ cuộc sống của gần 8.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc xả bẩn ra môi trường”. Vấn đề bạn đọc quan tâm nhất là ai dung túng cho Công ty Hào Dương và với mục đích gì?
Bạn đọc Dân Đọc Báo nói thẳng: Hào Dương coi thường luật pháp chính vì sự yếu kém của hệ thống quản lý kèm theo là sự chế tài của luật pháp theo kiểu "làm cho có"nên doanh nghiệp này vẫn trơ trơ. Thỉnh thoảng người dân thấy cán bộ đến kiểm tra công ty nhưng đâu cũng vào đấy. Cũng chính vì thế mà Hào Dương vẫn ngang nhiên xả thải ra môi trường. Ngay cả việc các cơ quan chức năng không dám đề xuất UBND TP HCM đình chỉ hoạt động Công ty Hào Dương thì người dân đã hiểu vì sao doanh nghiệp này coi thường pháp luật, ngang nhiên đầu độc cuộc sống của hàng ngàn hộ dân.
Dẫn chứng cho sự bất cập này, bạn đọc lấy tên Cu Li, kể: “Hãng sản xuất tương ăn phở hiệu "con gà" của một người Việt Nam ở Mỹ nổi tiếng khắp thế giới vừa đóng cửa hôm 31-10 vì người dân ở gần xưởng sản xuất của công ty này khiếu nại với chính quyền vì mùi ớt làm họ khó chịu. Dù là một tỉ phú và là một thương hiệu nổi tiếng ông chủ công ty này phải chấp nhận án lệnh tạm đóng cửa để tìm cách khắc phục mùi cay hoặc là phải dọn cơ sở sản xuất đi nơi khác. Còn vụ Hào Dương, cả chính quyền cũng không đình chỉ hoạt động nổi thì người dân làm sao nói được đây?”.
Khuyến khích... sai phạm
Việc Công ty Hào Dương được tiếp tục hoạt động sẽ tạo một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong việc ngăn chặn doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Không đình chỉ hoạt động của Công ty Hào Dương lần này đã giải thích tại sao doanh nghiệp này phớt lờ cảnh báo của TP. Nuông chiều Hào Dương cũng cho thấy các cơ quan chức năng không xem trọng khẩn cầu của gần 8.000 hộ dân đang bị công ty này “bôi bẩn” hằng ngày.
Bạn đọc Khải Lễ, giải thích: “Không phải doanh nghiệp này coi thường pháp luật mà vì pháp luật ta cho phép họ làm như vậy. Các cơ quan chức năng cho phép họ đóng phạt thì họ đóng phạt, cái nào lợi với họ hơn thì họ làm. Vấn đề là các cơ quan chức năng đã không cân nhắc đến quyền lợi của người dân sống ở khu vực này. Không thể hiểu nổi pháp luật gì mà cho họ đóng phạt đến...10 lần”.
Từ câu chuyện này bạn đọc Thanh Trần liên tưởng đến vụ việc người dân tại nhiều nơi khác đã “tự xử” những nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí họ kéo đến cả chính quyền địa phương để yêu cầu làm rõ tại sao doanh nghiệp gây ô nhiễm không bị đóng cửa.
Một người dân sống ở huyện Nhà Bè, nói thẳng: “Khi người dân không còn tin vào pháp luật thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, lúc đó đừng bảo người dân manh động, coi thường pháp luật. Hào Dương từng ngày hủy hoại môi trường và kế sinh nhai của người dân, đã 10 lần vi phạm rồi nhưng vẫn tái phạm thì chúng tôi phải hiểu thế nào? Tiền xử phạt có thấm vào đâu so với lợi nhuận và tiền đầu tư hệ thống xả thải của Công ty Hào Dương. Chả lẻ phải bó tay trước một Hào Dương lì lợm thách thức pháp luật hay sao? Đã đến lúc cần cho họ biết thượng tôn pháp luật và làm gương cho những DN khác. Đừng vì chút lợi đầu tư của DN mà giết lần mòn môi trường và sự sống của người dân chúng tôi”.
Thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm “Xử phạt lấy lệ, cho có thì làm sao trị Công ty Hào Dương được. Luật pháp cần phải được áp dụng nghiêm minh để người dân có được môi trường sống tốt” - bạn đọc Ben. “Cấp quản lý đụng chuyện là kêu khó. Khó là do thiếu năng lực, không có tâm và trách nhiệm, nên cứ ì ạch như rùa. Nếu không làm được thì xin nhường ghế cho người có tài, có tâm xử lý. Sao cứ để dân kêu khổ hoài mà không xót sao?” - bạn đọc Lê Hùng. “Còn nhớ vụ nổ giàn khoan ngoài biển nước Mỹ, tập đoàn dầu khí quốc gia Anh đã phải te tua vì tiền đóng phạt. Còn Việt Nam thì kể ra không biết bao nhiêu vụ nhà máy xả bẩn ra môi trường nhưng chỉ bị phạt nhẹ hều thế nên mới có vụ Hào Dương tái phạm nhiều lần” - bạn đọc Nguyễn Cao Sơn. |
Bình luận (0)