Phân tích những mặt tích cực của đội "Sao đỏ" trong trường học, bà Đỗ Kim Loan, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (TP Hà Nội), cho rằng sự tồn tại loại hình này là cần thiết với điều kiện nhà trường phải quản lý được.
Tốt hay xấu là do quản lý
Theo chuyên gia này, trong nhà trường, việc nhắc nhở để thi đua là tốt. Giáo viên (GV) có nhiều đầu việc nên không thể bao quát toàn bộ, mà học sinh (HS) nhắc nhau đôi khi có tác dụng ngay. Tuy nhiên, thực tế đang xuất hiện hiện tượng lạm quyền, bắt nạt bạn của một số thành viên đội "Sao đỏ". "Bỏ mặc hoạt động của "Sao đỏ" là hỏng việc ngay nên luôn phải có sự điều chỉnh, uốn nắn kịp thời. Tuổi các em chưa nhận thức đầy đủ, nếu được giao nhiều quyền quá sẽ thành quá đà. GV chủ nhiệm và tổng phụ trách (TPT) phải hướng dẫn, nhắc nhở các em. Khi có vướng mắc phải lập tức họp đội để chấn chỉnh, giải quyết những vấn đề phát sinh" - bà Loan chia sẻ kinh nghiệm.
Kể lại câu chuyện của cháu ruột đang học tại một trường THCS ở tỉnh Thái Bình với tâm trạng bức xúc, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thực tế, đội "Sao đỏ" ở nhiều trường đang gây ra không ít phiền phức cho cả GV và HS. "Cháu tôi kể các bạn "Sao đỏ" ở trường là những người chuyên "bới lông tìm vết", ghét bạn nào thì tìm mọi cách ghi tên vào sổ. Để bạn "Sao đỏ" không trừ điểm thì cho một gói bò khô. Hay nhiều khi các lớp ghét nhau, bảo "Sao đỏ" sang chấm điểm hại lớp kia. Cháu tôi nhận xét có bạn "Sao đỏ" chính trực nhưng số này ít, nhiều "Sao đỏ" trong trường là những người đi ăn hối lộ. Tôi nghe mà thực sự sốc, không nghĩ hoạt động "Sao đỏ" bị biến tướng như vậy" - ông Vinh nói.
GV chủ nhiệm lớp 3 của một trường tiểu học đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết chỉ 1 HS phạm lỗi, cả lớp sẽ phải gánh hậu quả nên chính các GV cũng phải tìm cách lấy lòng đội "Sao đỏ". "Vì xếp hạng thi đua nên một đồng nghiệp của tôi nghĩ ra "mẹo" dùng tiền quỹ lớp đưa HS "nộp" cho "Sao đỏ" để lấy điểm thưởng. Nhờ đó mà lớp luôn có thứ hạng cao" - GV này thở dài.
Tuổi học sinh tiểu học, THCS chưa nhận thức đầy đủ, nếu được giao quá nhiều quyền sẽ không tốt. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: TẤN THẠNH
Ảnh hưởng đến nhân cách học sinh
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, giáo dục là quá trình thầy cô và các bạn giúp trẻ hình thành nhân cách, trong đó thầy cô phải đóng vai chính trong nhà trường. HS cùng lứa đóng vai "Sao đỏ" làm sao có kinh nghiệm và đủ nhận thức khi thực hiện nhiệm vụ bất đắc dĩ? Điều này có thể gây ra mất đoàn kết giữa các HS trong lớp, trong trường. Nhẹ thì cạch mặt, nặng có thể dùng đến bạo lực để can thiệp. Chưa hết, việc sử dụng "Sao đỏ" trong trường vô tình làm ảnh hưởng đến nhân cách, thành tích học tập thực của các đội viên "Sao đỏ" do ít chú ý đến bài giảng của thầy cô mà lại trở thành "kẻ" theo dõi và đôi khi có cả hiện tượng "trấn lột" các bạn vi phạm nội quy.
Chuyên gia tâm lý - TS Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng hoạt động của đội "Sao đỏ" đang làm nảy sinh sự ganh đua, gia tăng bệnh thành tích giữa các HS, giữa các lớp với nhau. Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng rất nhiều cho HS vì trẻ con rất sợ bị chúng bạn chê cười hay xa lánh. Nó có thể được xem như một hình thức "đấu tố" rất đáng bị lên án trong trường học.
Chỉ cần có giám thị là đủ
Tham gia diễn đàn, nhiều bạn đọc cho rằng "Sao đỏ" là hoạt động tốt nếu tổ chức thực hiện đúng mục đích và ý nghĩa của nó. Đó là giúp HS rèn luyện tính kỷ luật, đạo đức, vệ sinh và chỉ nên dừng lại như vậy, đừng trao quá nhiều quyền.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất bỏ đội "Sao đỏ" vì đã có giám thị giám sát tình hình kỷ luật của HS. "Chủ yếu là nhắc nhở, xử lý một số HS chưa nghiêm túc để các em khác thấy đó mà sửa mình chứ trường học không phải là trại lính mà cần phải làm quá mức" - bạn đọc Hoàng Mai nêu.
Bạn đọc Nguyễn Long Hải cho rằng "Sao đỏ" là do người lớn bày ra. Bệnh thành tích còn thì "Sao đỏ" hoặc tương tự "Sao đỏ" sẽ còn. Bạn đọc Huỳnh Tuấn Anh đề nghị: "Đừng bắt HS làm công cụ tai mắt theo dõi HS, nhận xét cả thầy cô thông qua đội "Sao đỏ". Hãy trả lại tuổi thơ đúng nghĩa cho các em".
V.Thư
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-12
Thăm dò ý kiến
Nên giữ hay bỏ Sao đỏ (Cờ đỏ) trong trường học?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)