Các vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, vô cùng bất an. Tuy nhiên, có một thực tế là quá trình điều tra, phá loại án này thường rất chậm, có vụ kéo dài đến mấy năm vẫn chưa xong.
Cơ quan chức năng “nhát tay”?
Sở dĩ việc điều tra án XHTD trẻ em chậm là do hầu hết thuộc trường hợp truy xét, ít có trường hợp bị bắt quả tang hoặc có chứng cứ rõ ràng. Do án truy xét nên cơ quan chức năng khi tiếp nhận thông tin từ người bị hại (chưa thành niên) hoặc đại diện hợp pháp của họ thường rất dè dặt, đôi khi thận trọng quá mức cần thiết.
Quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và việc thu thập dấu vết tội phạm đối với loại án này cũng phức tạp hơn các loại án khác. Đơn cử, việc thu thập tinh dịch, mẫu ADN dính trên người nạn nhân, giám định pháp y… cần phải tiến hành nhanh chóng, chạy đua với thời gian nhưng theo quy trình thì phải trình báo qua cơ quan công an, sau đó cơ quan công an lấy lời khai ban đầu, xác minh, làm thủ tục giới thiệu đến cơ quan chuyên môn thăm khám, lấy mẫu, giám định… Quy trình này mất hết mấy ngày, trong khi thời gian càng kéo dài, việc thu thập dấu vết tội phạm, chứng minh và tìm ra thủ phạm càng khó khăn hơn, nhiều vụ bị “tắt” do không chứng minh được tội phạm.
Mặt khác, tội phạm XHTD trẻ em ngày càng tinh vi, quỷ quyệt, cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả đe dọa, khống chế nạn nhân. Trẻ em nhận thức còn rất non nớt, nhiều cháu bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại nên việc trình báo với cơ quan chức năng hết sức khó khăn, nói gì đến việc thu thập, lưu giữ dấu vết để giúp cơ quan chức năng truy bắt hung thủ.
Người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ, dấu vết mờ… nên cơ quan chức năng không dám khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì sợ oan sai. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ XHTD trẻ em kéo dài, thậm chí không xử lý được kẻ biến thái.
Cần thay đổi luật
Với quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD trẻ em như hiện nay, sẽ còn nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại nhưng hung thủ vẫn nhởn nhơ, thách thức pháp luật, gây bất bình trong xã hội.
Loại tội này mang tính đặc thù nên cần có nhân sự tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD trẻ em, quy trình và cách xử lý riêng. Theo đó, lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm XHTD từ trung ương đến địa phương với nhân sự là đội ngũ bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, các nữ cảnh sát đã được đào tạo chuyên sâu về tâm lý trẻ em. Khi có tin báo tội phạm, bộ phận này sẽ trực tiếp tiếp nhận, xử lý thông tin ban đầu, thăm khám, giám định pháp y, thu thập dấu vết, vật chứng và kết luận có hay không dấu hiệu XHTD. Kết quả giải quyết này là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Mặt khác, cơ quan tố tụng cũng cần có sự thay đổi nhận thức, cách làm. Đối với tội phạm XHTD, cơ quan tố tụng đòi hỏi phải có đầy đủ chứng cứ (tinh dịch, ADN, dấu vết hiện trường, lời nhận tội của đối tượng bị tình nghi…) mới khởi tố. Sự đòi hỏi này sẽ không bao giờ được đáp ứng. Điều quan trọng đối với việc điều tra, xử lý tội phạm này là cái tâm của người thực thi công vụ. Nếu tận tâm, tìm mọi biện pháp đấu tranh, vạch mặt kẻ phạm tội thì dù chúng có quỷ quyệt đến đâu cũng có sơ hở, để lại dấu vết. Hãy suy nghĩ rằng điều tra, lôi ra ánh sáng kẻ phạm tội XHTD trẻ em không chỉ đòi hỏi sự công bằng cho nạn nhân mà còn vì tương lai của đất nước.
Về pháp luật hình sự, hiện nay, các tội danh XHTD có 6 điều (từ điều 111 đến 116 Bộ Luật Hình sự), nằm trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Trong nhóm tội này, chỉ có tội “Hiếp dâm trẻ em” (điều 112) có mức hình phạt cao nhất là tử hình, còn lại mức cao nhất là chung thân. Riêng tội “Dâm ô trẻ em” (điều 116), mức cao nhất là 12 năm tù. Theo tôi, mức hình phạt đối với nhóm tội này còn nhẹ, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay.
Trước tình trạng trẻ bị XHTD đáng báo động, thiết nghĩ, trong khi Quốc hội đang sửa lại Bộ Luật Hình sự, các chuyên gia pháp luật, những người làm công tác bảo vệ trẻ em cần đề xuất cơ quan lập pháp, ban soạn thảo xem xét tách nhóm tội XHTD thành một chương riêng, chương tội phạm về XHTD; đồng thời, cần có khảo sát xã hội học về mức hình phạt đối với nhóm tội này như quy định hiện hành hay cần thiết phải tăng nặng hơn.
Ngoài ra, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ. Trước khi nghĩ đến việc nhờ pháp luật can thiệp, phụ huynh cần dạy cho con em mình kỹ năng phòng tránh từ xa. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN cùng các chuyên gia pháp luật cần ngồi lại xây dựng một quy trình phòng chống XHTD trẻ em, đưa vào chương trình giảng dạy từ lớp 1. Đó mới là cách phòng tránh bền vững.
Khởi tố, bắt tạm giam Cao Mạnh Hùng
Chiều 16-3, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Mạnh Hùng (SN 1983, trú phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai; có 1 tiền án về tội “Cướp giật tài sản”) để điều tra về hành vi dâm ô đối với trẻ em.
Trước đó, ngày 10-1, chị N.T.L (trú phường Thịnh Liệt) và con gái (SN 2008) đến công an phường trình báo về việc Hùng 2 lần thực hiện hành vi dâm ô đối với bé vào ngày 8-1.
Về vụ việc này, ngày 13-3, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Cùng ngày 13-3, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)