Còn nhớ tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK vào chiều 14-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện kiên quyết quan điểm về việc biên soạn bộ SGK Nhà nước vào thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK mà còn ảnh hưởng đến tinh thần đổi mới giáo dục.
Cảm ơn vị tư lệnh ngành giáo đã thẳng thắn nhìn nhận vào bản chất của SGK - học liệu để thầy trò lựa chọn căn cứ trên mục tiêu chương trình.
Khi đã xác định rõ chương trình là duy nhất và thống nhất, SGK là học liệu đa dạng và linh hoạt thì việc biên soạn thêm một bộ SGK nhà nước chỉ đơn thuần làm phong phú thêm tài liệu học tập của thầy trò; thêm 1 kênh để lựa chọn. Thế nhưng, đằng sau bộ SGK nhà nước bị trễ hẹn ấy là nhiều nỗi lo.
Theo Nghị quyết 88/2014/QH13, Bộ GD-ĐT đã được giao nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK bảo đảm chất lượng, cạnh tranh công bằng với các nhà xuất bản và nhóm tác giả khác. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã không làm được điều này vì không thu hút được tác giả uy tín, kinh nghiệm quay về "giúp bộ" với tư cách tác giả. Chính bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và giải trình về vấn đề bất khả thi này trước Quốc hội.
Nay công cuộc đổi mới toàn diện chương trình và SGK đang đi vào chặng cuối, những bản mẫu SGK xã hội hóa cuối cùng đã nằm gọn trên bàn chờ bộ trưởng phê duyệt, hà cớ gì lại quay về điểm xuất phát, Bộ GD-ĐT huy động đội ngũ viết sách đông đảo để biên soạn lại từ đầu những bản thảo lớp 1, lớp 6, lớp 10...? Một khoản kinh phí khổng lồ sẽ lại tiêu tốn vào khâu biên soạn SGK, trong khi các bộ sách xã hội hóa hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu học liệu.
Dù cho là mang tính cạnh tranh công bằng nhưng thú thật, ngay khi bộ SGK biên soạn bằng ngân sách nhà nước vẫn còn là ý tưởng trên giấy thì nỗi lo về việc độc quyền SGK lại hiện hữu. Rồi dần dà chủ trương đột phá "1 chương trình, nhiều bộ SGK" sẽ phá sản. Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống liệu có thắng trong cuộc đua chọn sách ở các trường phổ thông? Hay lối cũ "1 chương trình, 1 bộ SGK" lại tiếp tục ngự trị? Và rồi sự rơi rụng dần của các thương hiệu SGK sẽ lại là một sự lãng phí khủng khiếp.
Lời than thở về giá SGK cao gấp 2-4 lần so với sách cũ khiến dư luận sôi sục suốt từ những ngày đầu đổi mới. Nên không ít người hy vọng về một bộ sách do nhà nước tài trợ giá để giảm gánh nặng về chi phí học hành. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về giá sách còn lắm vấn đề phải bàn luận. Không nhất thiết phải có thêm một bộ SGK nhà nước khiến hệ thống học liệu thêm cồng kềnh và việc lựa chọn SGK thêm rối rắm!
Bình luận (0)