. Phóng viên: Chủ tịch Quốc hội đã ký Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 (NQ686), trong đó đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 (NQ88) về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK). Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
TS HOÀNG NGỌC VINH
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Tôi vẫn cho rằng Bộ GD-ĐT nên chủ trì biên soạn một bộ SGK chuẩn, còn sách của các nhà xuất bản khác theo cơ chế thị trường.
Để đạt được sự cân bằng, một số quốc gia áp dụng cách tiếp cận hỗn hợp. Bộ GD-ĐT có thể cung cấp một bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi, đồng thời cho phép giáo viên và nhà trường bổ sung các nguồn tài liệu bổ sung. Cách tiếp cận này bảo đảm tính nhất quán, trong khi vẫn cho phép thích ứng và đổi mới.
Việc có một bộ SGK của Bộ GD-ĐT sẽ bảo đảm tính nhất quán, SGK được tiêu chuẩn hóa, bảo đảm một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập.
Thêm vào đó, SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn trải qua các quy trình đánh giá nghiêm ngặt để bảo đảm tính chính xác, phù hợp với các mục tiêu và tiêu chuẩn giáo dục. Giáo viên có thể dựa vào những SGK này để biết nội dung chính xác và có cấu trúc tốt. Điều này có thể giảm bớt gánh nặng tìm kiếm các nguồn SGK đáng tin cậy và giúp giáo viên tập trung vào các chiến lược giảng dạy hiệu quả. Các trường học có thể tiết kiệm chi phí mua nhiều bộ SGK, cũng như giảm nhu cầu xem xét và lựa chọn SGK đang diễn ra.
Tuy nhiên, một bộ SGK mang tính chuẩn hóa có thể hạn chế sự sáng tạo và linh hoạt của giáo viên trong việc điều chỉnh các bài học theo nhu cầu và sở thích của học sinh. Nó cũng có thể cản trở các phương pháp giảng dạy mới. Ngoài ra, bối cảnh giáo dục phát triển và SGK tiêu chuẩn có thể không phải lúc nào cũng theo kịp những phát triển mới hoặc các chủ đề mới nổi. Trên thực tế, các nguồn tài nguyên đa dạng có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của học sinh về các chủ đề phức tạp…
. Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK bằng kinh phí của nhà nước sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, hiện nay việc thay sách đã đi gần hết một chặng đường. Vì vậy, thêm một bộ SGK vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách rất lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi hiểu đây không phải là điều chỉnh chính sách mà điều chỉnh mang tính chất kỹ thuật. Vì vậy, nên tìm kiếm các giải pháp mang tính kỹ thuật, sao cho khả thi và bảo đảm không quá lãng phí cũng như hài hòa về vùng miền...
Quốc hội và Chính phủ đã có ý kiến thì phải bàn bạc. Đúng là việc này cũng khá tốn tiền nhưng vì lợi ích lâu dài thì Bộ GD-ĐT nên làm. Cần cân nhắc chi phí và lợi ích cũng như thực tế năng lực đội ngũ giáo viên hiện tại và thói quen dạy và học quá lệ thuộc vào SGK của giáo viên và học sinh, mà thay đổi.
Có ý kiến trong 3 bộ SGK đã xuất bản, Bộ GD-ĐT nên có một hội đồng độc lập lựa chọn những bài trong SGK tốt nhất (sau khi coi dư luận và ý kiến giáo viên...) và ghép lại thành bộ SGK mà Bộ GD-ĐT sẽ mua bản quyền, sau khi biên tập lại. Đó có thể là một phương án tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, các tác giả của 3 bộ SGK kia có đồng ý hay không là việc khác. Bây giờ mới biên soạn một bộ SGK mới, khắc phục những khiếm khuyết của 3 bộ SGK kia thì sẽ mất thời gian và tìm kiếm chuyên gia viết không dễ.
. Bộ GD-ĐT đã từng phải dừng việc biên soạn một bộ SGK do thiếu nhân sự viết sách. Hiện tại các "nhân tài" giáo dục đã tham gia biên soạn các bộ sách giáo dục hiện hành thì liệu việc viết thêm một bộ sách có ổn không, thưa ông?
- Như tôi đã nói, việc kiếm chuyên gia gạo cội có năng lực và nhiều kinh nghiệm biên soạn SGK là rất khó, vì dường như các chuyên gia này đều đã là tác giả của 3 bộ SGK hiện hành. Bộ GD-ĐT lẽ ra phải chuẩn bị nhân lực từ trước bằng cách xây dựng tiêu chuẩn năng lực của người viết SGK như UNESCO khuyến cáo, tổ chức chọn ứng viên trên cơ sở tiêu chuẩn năng lực, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho những người này mới có thể có được đội ngũ biên soạn SGK tốt. Nên nhớ kể cả giáo sư hay giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng chưa chắc đã đủ kỹ năng biên soạn SGK, mặc dù về mặt kiến thức những người này có thể có thừa. Những kỹ năng viết và hiểu về môn học cũng như hệ thống chương trình, tâm lý lứa tuổi của học sinh theo cấp lớp thì phải mất thời gian học hỏi.
. Một trong những lý do khiến nhiều ý kiến đặt vấn đề cần có bộ SGK của Bộ GD-ĐT chính là quá đắt. Theo ông, SGK hiện hành giá thành đắt, hay đắt vì phụ huynh phải mua sách kiểu "bia kèm lạc", SGK kèm sách tham khảo, sách bài tập, bộ đồ dùng học tập?
- Vấn đề SGK đắt do nhiều nguyên nhân. Có thể hạch toán chi phí không chính xác, cộng với chi phí "hoa hồng" cho cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý trong việc xem xét lựa chọn SGK... Ngoài ra, giá SGK nâng lên còn do việc mua sắm vật tư đầu vào, như giấy in sách chẳng hạn, có nghi ngờ về sự ăn chia giữa một số cá nhân trong nhà xuất bản với doanh nghiệp cung cấp giấy.
Đó là chưa kể có thể qua nhà trường, giáo viên "gợi ý" mua thêm sách tham khảo này nọ khiến chi phí gia đình mua SGK tăng cao.
Phụ huynh chọn sách giáo khoa cho con vào đầu năm học mới. Ảnh: TẤN THẠNH
. Nhiều người lo ngại nếu Bộ GD-ĐT biên soạn thêm một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém cho xã hội, đặc biệt sẽ làm chính sách chống độc quyền thất bại. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Tất nhiên có những lo ngại Bộ GD-ĐT độc quyền với một bộ SGK. Nhưng nếu có sự hợp tác giữa các tác giả của 3 bộ SGK đã xuất bản và vì lợi ích của người học lẫn giáo viên thì nên thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Những bộ SGK khác có thể là nguồn tham khảo.
Có thể hiểu SGK của Bộ GD-ĐT là SGK thể hiện tính chuẩn mực với yêu cầu tối thiểu, còn các bộ SGK khác vẫn theo cơ chế thị trường để giáo viên và học sinh tham khảo những nội dung cao hơn mức tối thiểu.
. Có nhiều bộ SGK, nhưng nếu các cơ sở giáo dục đồng loạt chọn sách của Bộ GD-ĐT thì rõ ràng chủ trương xã hội hóa, chủ trương nhiều bộ SGK bị phá sản, bởi không có quy định nào về việc các trường không được chọn sách giống nhau. Ông thấy sao về điều này?
- Tại vì lúc ra quyết định, người ta mới chỉ nghĩ đến việc xóa bỏ độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục mà chưa nghĩ sâu hơn về điều kiện của đội ngũ giáo viên (thói quen truyền thống ít chịu đọc, tham khảo tài liệu ngoài SGK chính thống) và đặc biệt nghĩ rộng hơn vì lợi ích trong học tập của học sinh. Mục tiêu của xã hội hóa SGK không chỉ muốn xóa bỏ độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục mà còn là giúp học sinh cải thiện học tập của mình, phát triển năng lực và bình đẳng tiếp cận đến SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn.
Tôi vẫn cho rằng nếu SGK của các nhà xuất bản khác nếu giá trị cho cải thiện năng lực học sinh thì giáo viên vẫn có thể lựa chọn tham khảo theo chủ quyền của mình.
Đề nghị xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan
Theo NQ686 giám sát chuyên đề về thực hiện NQ88 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của NQ88 về việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản SGK do nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn SGK, quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn SGK trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành SGK.
Đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không chấp hành NQ88 về nội dung "Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK" trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14.
Bình luận (0)