Liên quan đến tình trạng đường bị đào lên, tái lập không đúng kỹ thuật khiến nhiều tuyến đường như "mặc áo vá" mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, đại diện Đội Thanh tra giao thông số 3 thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết từ tháng 4-2021 đến ngày 1-3-2022, qua công tác tuần tra, đơn vị này đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 8 trường hợp đối với các đơn vị thi công các tuyến đường với nhiều lỗi vi phạm như không hoàn trả phần đường như nguyên trạng, không thu dọn vật dụng khi thi công...
Sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý
Cụ thể, đoạn đường trước số nhà 263 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, do Công ty CP Xây dựng Nghĩa Phước thi công ngầm hóa lưới điện trung hạ thế kết hợp dây thông tin các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trường Sa... đã bị thanh tra sở lập biên bản ngày 9-5-2021 xử phạt hành vi không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.
Tương tự, tại giao lộ Nguyễn Trọng Tuyển - Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) do Công ty CP Viễn thông Sao Nam thi công ngầm hóa lưới điện khu vực trong các tuyến đường Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ...; trước số nhà 108 Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận do Công ty CP Xây dựng Phương Nguyễn thi công thay ống cấp nước cũ mục đường Cô Giang... đã bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính do không hoàn trả phần đường như hiện trạng ban đầu.
Ngoài các công trình trên, nhiều đơn vị thi công cẩu thả cũng bị Thanh tra Sở GTVT lập biên bản xử phạt với hành vi không thu dọn vật dụng khi thi công xong gây cản trở giao thông...
"Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng trên, chúng tôi đã liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ gửi thư mời đến các đơn vị đã từng thi công các tuyến đường do báo phản ánh phối hợp kiểm tra xử lý. Phần hạ tầng nào do Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ quản lý thì đề nghị sửa chữa, phần nào thuộc quận, huyện thì đề nghị quận, huyện sửa chữa" - đại diện Đội Thanh tra giao thông số 3 cho biết.
Thống kê của Sở GTVT TP HCM cho thấy tính đến ngày 20-2, toàn thành phố có 98 vị trí rào chắn trên 58 tuyến đường phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn thành phố. Để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường này, công tác tuần tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm của các nhà thầu được lực lượng Thanh tra Sở GTVT thực hiện thường xuyên, liên tục.
Từ đầu năm 2022 đến ngày 28-2, Thanh tra sở đã lập biên bản 72 trường hợp với số tiền xử phạt 428 triệu đồng, với các lỗi vi phạm chủ yếu, như: Thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp; để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong...
Đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) “mặc áo vá” sau thi công công trình ngầmẢnh: Lê Vĩnh
Hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng
Theo luật sư Nguyễn Thanh Đạm (Đoàn Luật sư TP HCM), Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2022/NĐ-CP, quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức có các hành vi không hoàn trả phần đường (gồm lòng đường, lề đường, hè phố), phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ, hành lang an toàn đường bộ theo nguyên trạng khi thi công xong.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Điều 261, Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung quy định hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường phố xuống cấp sau mỗi lần thực hiện các công trình ngầm. Trong đó, nguyên nhân chính là do đơn vị thi công không đủ năng lực, muốn tiết kiệm chi phí nên sử dụng nhân công không bảo đảm trình độ tay nghề, vật liệu kém chất lượng...
"Các đơn vị khi đào đường, vỉa hè với mục đích chính là để thi công phần hạ tầng kỹ thuật ngầm bên dưới nên họ chỉ chú trọng đến chất lượng công việc chính của mình như phần cáp điện, cáp mạng, đường ống nước... mà không chú trọng nhiều đến việc hoàn trả lại hiện trạng công trình ban đầu" - vị này phân tích.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình vì thế gặp không ít khó khăn.
"Dù vậy, hiện nay khung pháp lý về quản lý đầu tư xây dựng đã tương đối đầy đủ. Để khắc phục tình trạng đường phố "mặc áo vá" sau thi công, các đơn vị thi công cần khảo sát kỹ trước khi thi công các hạng mục công trình; xây dựng, hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng một cách thực tế chứ không phải làm cho có hồ sơ để có thể trúng thầu thi công. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị" - chuyên gia này nhấn manh.
Bình luận (0)