Ngày 18-5, nhiều tài khoản mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ trước thông tin chó Pitbull cắn xé một cụ bà tử vong trước sự bất lực của người thân ở tỉnh Bình Dương.
Không nên chủ quan
Khoảng 19 giờ ngày 17-5, chị Trần Thị Thanh T. (44 tuổi), con gái bà Đặng Thị V. (82 tuổi; ngụ phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), dắt chó Pitbull được gia đình nuôi trong lồng sắt ra ngoài cho ăn.
Lúc này, bà V. đang ngồi trên võng, cách vị trí cho chó ăn khoảng 15 m. Do lớn tuổi, lại bị lẫn, bà V. nói lớn tiếng khiến con chó hoảng loạn, lao vào cắn xé. Phát hiện vụ việc, chị T. chỉ biết bất lực đứng nhìn do thể trạng con chó quá lớn, không thể kéo lại.
Trước thông tin này, nhiều bạn đọc cho rằng chủ nhà quá chủ quan, Pitbull là con vật to lớn, hung dữ, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai. Nhà có người già, trẻ em, tuyệt đối không nên nuôi loại chó này. "Nuôi chó dữ mà không chịu xích thì quá nguy hiểm. Thật đáng thương cho cụ bà, con cháu sẽ ân hận cả đời. Tôi thích chó nhưng không thích những người nuôi chó thiếu ý thức, thích thể hiện, không rọ mõm chó khi ra ngoài, để phóng uế bừa bãi hoặc dắt chó đến những khu vực cấm" - bạn đọc Trungtuan52 viết.
Bạn đọc Vanmai71 chia sẻ: "Thành thật chia buồn cùng gia đình. Tôi rất thương động vật nhưng không nuôi chó, mèo vì sợ ảnh hưởng đến hàng xóm. Hơn nữa nuôi nhốt cũng như cầm tù, khi dắt ra ngoài, chúng ta không thể kiểm soát nổi. Không nuôi thì khỏe ta, khỏe người, không hại vật, không tạo nên tội".
Theo nhiều bạn đọc, thời gian qua xảy ra không ít vụ việc chó Pitbull cắn chết chủ nhà và người lạ. Đã đến lúc cần có quy định cụ thể và chế tài mạnh để không xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự.
"Cơ quan chức năng nên có lệnh cấm nuôi chó Pitbull. Trước mắt, nếu chủ nuôi chó bất tuân và để xảy ra trường hợp chó tấn công, gây thương tích cho người, người nuôi chó bị phạt tù như chính mình đã gây thương tích cho người khác" - bạn đọc Nguyễn Thị Tâm đề xuất.
Con chó Pitbull cắn chết cụ bà ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Phải có giải pháp mạnh tay hơn
Liên quan vấn đề trên, trong một lần trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết có hàng trăm loại chó nên khó đưa vào văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay đã có đầy đủ các quy định pháp luật về nuôi chó, quản lý đàn chó. Theo quy định, khi dắt chó ra nơi công cộng, chó phải được đeo rọ mõm, được xích giữ và có người dắt. Trong trường hợp để chó cắn người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, ngoài chi trả các chi phí điều trị, chủ nuôi còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Do các địa phương thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến nhiều vụ chó cắn chết người.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho hay trong 10 năm qua, Việt Nam đã chi 8.000 tỉ đồng cho phòng chống bệnh dại.
Còn theo TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, những vụ việc đau lòng như chó tấn công, thậm chí cắn chết người là vấn đề đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nghị định, thông tư, văn bản chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể về vụ việc này. Thời gian qua có nhiều địa phương thực hiện tốt việc quản lý đàn chó, mèo, phần lớn người dân đã chấp hành các quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương và một bộ phận người dân chưa tuân thủ đầy đủ dẫn đến những sự việc đau lòng.
"Điều quan trọng nhất là chính quyền phải vào cuộc. Chủ nuôi chó phải có trách nhiệm, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu người dân thiếu ý thức sẽ rất khó trong công tác quản lý" - ông Nguyễn Văn Long nói.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, về trách nhiệm dân sự, theo Bộ Luật Dân sự 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong khi đó, về trách nhiệm hình sự, nếu chủ nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa... dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội "Vô ý làm chết người" theo Bộ Luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, luật sư Trương Văn Tuấn nói chủ nuôi chó Pitbull buộc phải biết con chó của mình hoàn toàn có khả năng gây sát thương cho người khác. Cũng đừng quá tự tin khi cho rằng nó sẽ không tấn công người nuôi.
"Việc nuôi chó Pitbull trong nhà đã trở thành nguồn nguy hiểm cao độ. Nên chăng, cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh tay hơn đối với việc nuôi loại chó này" - luật sư Trương Văn Tuấn nêu ý kiến.
Nên cấm nuôi chó Pitbull
Nếu chịu khó tìm kiếm trên Google sẽ thấy có nhiều vụ chó Pitbull cắn người thương vong ở Việt Nam. Vậy nuôi chó Pitbull có xin phép không? Ai có đủ điều kiện để được nuôi? Quản lý việc nuôi chó dữ như thế nào? Người nuôi không tuân thủ quy định thì xử lý, chế tài ra sao? Tất cả đều còn có những khoảng trống, có quy định nhưng chưa đi vào thực tế...
Trên thế giới, tại châu Âu, rất nhiều nước đã cấm giống chó này như: Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ý, Latvia, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh, 15/16 bang của Đức...
Tại châu Mỹ, những nước như: Argentina, Ecuador, Guyana, Puerto Rico và Venezuela đã cấm nuôi Pitbull. Ở khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia lân cận như Malaysia hay Singapore cũng đã cấm nuôi giống chó này.
Điều đáng nói là các nước trên, luật pháp quy định chặt chẽ, ý thức người nuôi cao nhưng họ vẫn cấm, trong khi ở Việt Nam, nhiều chủ nuôi còn lơ là, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm khi nuôi loại chó dữ này.
Mỗi khi xảy ra chuyện chó cắn chết người, dư luận lại phẫn nộ đặt vấn đề cấm nuôi thú dữ trong khu dân cư nhưng rồi thật đáng buồn là mọi chuyện lại đâu vào đó. Cần có cơ quan quản lý thú nuôi, yêu cầu chủ nuôi phải đăng ký và cấp mã quản lý mỗi con vật. Chủ nuôi phải trả phí quản lý để duy trì hoạt động cho cơ quan này. Nếu không đáp ứng thì cấm nuôi. Phạt như nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư.
Đã đến lúc phải tính đến việc xử lý nghiêm chủ nuôi không bảo đảm an toàn, kể cả việc phải xử lý hình sự ngay nếu để vật nuôi gây chết người.
Bạn đọc Hải Đăng
Bình luận (0)