Con số 20.300 nơi ở tại các dự án nhà ở chính thức có sổ hồng trong năm 2023 đang là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành chức năng TP HCM. Những nỗ lực để đạt hoặc vượt chỉ tiêu này rất đáng ghi nhận khi thời gian qua, rất nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức nhằm tìm giải pháp tối ưu khai thông dòng chảy của thủ tục cũng như các vướng mắc là nguyên nhân gây ra việc cấp sổ không như mong đợi.
Tuy nhiên, đến nay đã gần sang tháng 5, tức thời gian trôi qua gần một nửa nhưng câu chuyện sổ hồng chưa hẳn sáng sủa, nếu không muốn nói là mang màu sắc ảm đạm. Nói như Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trong buổi giám sát mới đây, việc chậm cấp sổ hồng đã ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người dân và thất thu ngân sách nhà nước. Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng công tác quản lý nhà nước chưa nắm hết tình hình các dự án và điều này cần khắc phục triệt để thông qua những cách làm hiệu quả.
Tại chung cư Hoa Phượng ở TP HCM, người dân dù ở nhiều năm vẫn mòn mỏi chờ sổ hồng
Ý kiến xác đáng trên phần nào đó khái quát bức tranh công tác thẩm định, xét duyệt, cấp sổ hồng hiện nay. Bởi tình trạng chủ đầu tư mang giấy tờ đi cầm cố; việc điều chỉnh quy hoạch, quy mô dự án nên phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; dự án đang cấp sổ hồng thì cơ quan tư pháp yêu cầu tạm ngăn chặn… đều ít nhiều liên quan tới khả năng nắm bắt, giám sát của cấp thẩm quyền.
Cần nhắc lại rằng về mặt pháp lý, sổ hồng là sự bảo đảm từ nhà nước việc người dân được trọn vẹn quyền lợi nơi mình sinh sống. Về mặt văn hóa, đó là một "bảo vật" của bất cứ ai khi giúp họ vững tin về an cư để toàn tâm toàn ý cho lập nghiệp. Về tính hữu dụng, sổ hồng làm tăng giá trị chỗ ở, giúp chủ nhân lỡ gặp khó khăn có thể tự tin mang đến ngân hàng thế chấp, vay một khoản cho nhu cầu đầu tư cần kíp...
Quan trọng là vậy song với nhiều người, đặc biệt là cư dân ở chung cư, việc được chính danh tại chính căn hộ mình bỏ tiền ra mua lại là ước mơ xa vời. Đã có vô số gia đình chờ cả chục năm sau thời hạn chủ đầu tư cam kết mà chưa biết hình dáng tấm giấy ấy thế nào. Tình trạng ấy dẫn tới hệ lụy chung là người dân mệt mỏi, tâm trạng bức xúc, mâu thuẫn với chủ đầu tư tăng lên. Nhìn rộng ra, ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng, niềm tin của những khách hàng tiềm năng đối với những cam kết tại mỗi dự án trong tương lai sẽ thiếu vững chãi.
Nên cư dân nói riêng, xã hội nói chung dù chia sẻ khó khăn song không thể bắt buộc họ có nghĩa vụ phải biết toàn bộ những lý do khiến câu chuyện sổ hồng vẫn hẹp lối ra. Việc gỡ vướng đã bàn nhiều rồi, giải pháp chắc chắn là không ít. Giờ chỉ việc bắt tay vào triển khai, hiệu quả hóa các giải pháp ấy thôi.
Không nên để vấn đề "vướng chuyện gỡ vướng" trở thành chủ đề chính trong mỗi hội nghị, hội thảo. Hãy rời các văn phòng, hội trường để tiến ra "công trường sổ hồng" - nghĩa là tối ưu các giải pháp như nói ở trên.
Bình luận (0)