Chúng ta thừa hiểu không có chuyện "zero Covid", nghĩa là chẳng đời nào có thể tuyệt đối không có ca mắc nào trong một thời gian dài.
Không thể phong tỏa mãi
Đến nay, số ca mắc Covid-19 vẫn đang gia tăng, số lượng bệnh nhân nặng và tử vong trên số ca F0 vẫn còn chiếm tỉ lệ khá lớn. Trong khi đó, năng lực chữa bệnh, hạ tầng và nhân lực y tế còn rất hạn chế, không thể chịu được một lượng lớn F0 và càng không thể gánh đỡ số lượng bệnh nhân nặng.
Vắc-xin, vũ khí duy nhất cho chúng ta cơ hội làm người tự do di chuyển, sẽ còn lâu mới có đủ. Theo quan điểm mới về vai trò của vắc-xin - không còn là để tạo ra miễn dịch cộng đồng mà để hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng và tử vong, cần phải tiêm vắc-xin cho 100% dân số, tối thiểu là với tất cả người trên 18 tuổi. Cho tới giờ, lượng vắc-xin chúng ta có còn quá ít so với nhu cầu.
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Minh Phụng, quận 11, TP HCM những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhưng chắc chắn không thể phong tỏa mãi. Nền kinh tế vốn không có tích lũy sâu đã tới hạn chịu đựng. Các doanh nghiệp (DN) gần như kiệt quệ, bắt đầu phải lên tiếng kêu cứu. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, DN xuất khẩu ngấm đòn, đứng trước nguy cơ mất nhiều hợp đồng. Đặc biệt là nỗi khổ về sinh kế của người dân. Nhà nước không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước giàu, mà ngay cả những gói cứu trợ cũng hầu như không phát huy tác dụng nhiều...
Thủ tướng Chính phủ đã hơn một lần xác định con đường chống dịch phải lâu dài. Vậy sống chung với con virus này bằng cách nào?
Phương châm và giải pháp chống dịch
Phương châm hoặc tư duy chiến lược là điều quan trọng nhất. Chính quyền cần xác định rõ phương châm chống dịch trong chiến lược sống chung với Covid-19. Cụ thể, việc chống dịch phải đi đôi với ổn định sinh kế, không thể dễ dãi ngả theo bất cứ một bên nào. Những biện pháp đưa ra đều phải tính đến các hệ quả của nó đối với sinh kế và có giải pháp giải quyết cụ thể.
Không đương nhiên áp dụng các biện pháp phong tỏa cực đoan. Cần thiết lập các cấp độ dịch từ thấp đến cao (như cách phân loại vùng "xanh, cam, đỏ" hiện nay), với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể, song song với các biện pháp căn bản, để người dân chủ động hiểu rõ khi nào sẽ phải thay đổi các cấp độ chống dịch và ứng xử phù hợp.
Với sự nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước đi trước, tham chiếu với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm từ một số bất cập trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp như sau.
Không phong tỏa cực đoan, dù vẫn phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan nhưng cần đặt mục tiêu duy trì các hoạt động kinh tế nhất định, để nuôi dưỡng lực lượng chống dịch lâu dài. Điều này có nghĩa là không đóng băng toàn bộ hoạt động kinh tế, mà phải phân loại các DN theo đặc thù, tính chất hoạt động, khu vực, năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn. Các DN đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ được ưu tiên hoạt động. Ngược lại, sẽ phải tạm ngừng để bảo đảm an toàn. Ở Singapore, chính quyền phân loại DN theo loại hình kinh doanh và có chính sách cũng như điều kiện áp dụng rất chi tiết.
Các biện pháp phong tỏa phải luôn tính đến sinh kế của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương và nguy cơ cao. Người dân yên tâm về sinh kế thì nhất định sẽ không hoang mang, đồng lòng ở yên trong nhà. Muốn vậy, phải xác lập và thiết kế quy trình, quy chuẩn cho các loại hình di chuyển và giao dịch an toàn. Chỉ cấm các di chuyển không an toàn.
Quy trình di chuyển và giao dịch an toàn bao gồm các biện pháp bán hàng online, thanh toán không tiền mặt, giao nhận hàng hóa bảo đảm giãn cách, vận chuyển không tiếp xúc, giám sát hành trình và ứng xử bằng công nghệ chuyên nghiệp. Ở Trung Quốc, quá trình mua bán, shipping hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, ngay cả trong những ngày phong tỏa nghiêm ngặt, vì họ hầu như không dùng tiền mặt, mỗi điểm dân cư và các cửa hàng đều có quy trình giao hàng không chạm, xông khử khuẩn trước khi nhận hàng…
Di chuyển an toàn cũng có nghĩa là có quy định rõ ràng về các nhóm có thể được di chuyển mà không gây nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và người khác. Ví dụ, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc từng là F0 có thể được ưu tiên di chuyển. Người đã tiêm 1 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính có thể được tiếp cận một số khu vực hoặc được làm những việc nhất định.
Nguyên tắc "dân giúp dân" bao giờ cũng tốt hơn là dùng các lực lượng chức năng vào các nhiệm vụ không chuyên nghiệp. "Dân giúp dân" nghĩa là tạo điều kiện để người dân có thể được mua bán (theo quy trình di chuyển an toàn), nuôi sống một phần các DN có khả năng phục vụ trong điều kiện an toàn. Các shipper nhờ thế có thu nhập, không trở thành nhóm yếu thế cần cứu trợ. Các DN có doanh thu sẽ tồn tại được, thậm chí có thể phần nào hỗ trợ người khó khăn hơn. Người dân được ổn định về tâm lý và sinh hoạt cũng có thể an tâm giúp đỡ người khác. Ngoài ra, các tổ chức thiện nguyện có thể triển khai hoạt động cứu trợ, hỗ trợ của mình, bằng cách quy chuẩn cách thức hoạt động an toàn và di chuyển an toàn.
Vắc-xin đương nhiên là giải pháp căn cơ nhất, cần phải được coi là ưu tiên số 1 trong chính sách chống dịch. Nghĩa là bằng mọi giá thúc đẩy việc tìm, đàm phán, mua vắc-xin từ mọi nguồn có thể, miễn là được Tổ chức Y tế thế giới phê chuẩn và nhiều nước chấp nhận, kể cả vắc-xin sản xuất trong nước. Nên nhắc lại là vắc-xin liên quan đến sinh mạng con người, chứ không có chỗ cho sự kỳ thị, phân biệt. Tiêm vắc-xin phải trở thành chính sách quốc gia. Nguyên tắc tiêm vắc-xin là tự nguyện nhưng cần phải có chính sách khuyến khích tiêm. Người tiêm vắc-xin phải có được những ưu tiên nhất định trong việc di chuyển, lao động an toàn. Ở Singapore, chỉ có những người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, bất kể là loại nào, thì mới được vào nhà hàng, food court.
Chung sống với Covid-19 nghĩa là có các giải pháp dịch tễ và y tế linh hoạt, áp dụng uyển chuyển theo từng mức độ lây lan của virus. Tập trung hạn chế tử vong, thay vì quá chú trọng tập trung nguồn lực phong tỏa, truy vết, dập dịch đến khi không còn ca F0 nào. Lưu ý nguyên tắc ưu tiên tiêm vắc-xin cho người trên 65 tuổi - nhóm đang có tỉ lệ tử vong lên đến hơn 49%; đồng thời tổ chức tốt việc tư vấn và hỗ trợ chữa trị cho các ca F0 chưa có triệu chứng tại nhà, cũng như cấp cứu nhanh chóng, quyết liệt cho các bệnh nhân bắt đầu trở bệnh.
Những nhóm giải pháp trên cần tham vấn các chuyên gia trong từng lĩnh vực để hoàn thiện và đệ trình lên các cấp chính quyền. Tin rằng những giải pháp này sẽ góp phần giải quyết phương châm chống dịch vừa bảo vệ sinh mạng người dân vừa mở dần từng bước an sinh xã hội, ổn định huyết mạch kinh tế.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Tại cuộc họp về phòng chống dịch Covid-19 ngày 29-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là quan trọng, thường xuyên".
Không thể phong tỏa mãi. Đã đến lúc tính đến việc chung sống với Covid-19 một cách vừa an toàn vừa phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội khác. Mời bạn đọc tham gia diễn đàn hiến kế "Sống chung với Covid-19". Bài viết gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Ứng dụng công nghệ trong chống dịch
Hiện công nghệ vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu hỗ trợ chống dịch như kỳ vọng. Nhiều giải pháp công nghệ, mobile app được đầu tư phát triển rất nhanh và rất hay nhưng dường như chúng không được triển khai dưới một chiến lược chung; mỗi ngành, mỗi địa phương lại có quan điểm và kế hoạch riêng. Điểm yếu nhất là chúng không cùng kết nối vào một hệ thống database chung.
Ở Singapore chỉ có một app là TraceTogether, được thống nhất sử dụng từ đầu đến nay. Ở Trung Quốc, mỗi tỉnh có thể có một app riêng nhưng tất cả đều phải kết nối vào kho dữ liệu quốc gia (national big data) và phải đạt một số tính năng bắt buộc. Hầu như họ không gặp phải vấn đề nan giải như ta, mà việc truy vết, khai báo, theo dõi dịch tễ, lịch sử tiêm vắc-xin... cực kỳ dễ dàng và khoa học. Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống của Trung Quốc và Singapore xâm phạm dữ liệu cá nhân quá nhiều nhưng giữa nguy cơ của đại dịch và hy sinh sự riêng tư, chúng ta phải chọn một.
Bình luận (0)