Điều kiện tiên quyết để chuẩn bị trở lại cuộc sống "bình thường mới" là ngoài tăng cường phủ vắc-xin, tuân thủ 5K thì không được để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Xử lý triệt để các vướng mắc về thủ tục, pháp lý
Cụ thể, đối với hàng hóa, cần tổ chức lại quy trình quản lý các luồng xanh vận tải một cách khoa học, hệ thống; thống nhất giữa các địa phương về phương thức tổ chức và thực hiện nhằm bảo đảm tính nhất quán, thông suốt. Phải tạo ra không gian, hạ tầng cho giai đoạn phục hồi.
Lĩnh vực có tỉ lệ kiểm soát cao nhất, có thể mở lại trước là sản xuất. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng thiết yếu, xuất khẩu, DN tham gia các chuỗi cung ứng. Đẩy nhanh vắc-xin cho người lao động trong các DN theo chuỗi, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, rau củ quả rồi tới xuất khẩu...
Đào tạo lại lao động cũng là một yêu cầu cần đặt ra sớm. Các DN sau đại dịch sẽ phải tái cấu trúc rất mạnh mẽ. Nếu không đào tạo lại lao động, sẽ đánh mất cơ hội để sớm đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bù đắp cho giai đoạn sụt giảm vừa qua.
Đây là cơ hội chọn lọc ra những ngành, lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư, hỗ trợ, dựa trên tiêu chí cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế hậu đại dịch sẽ tập trung vào những ngành/lĩnh vực theo định hướng phát triển của nền kinh tế. Cần ưu tiên hỗ trợ những DN có triển vọng phát triển sau đại dịch, phù hợp với sự biến đổi mau lẹ của thời đại công nghệ 4.0 hậu Covid-19. Việc hỗ trợ những DN hoạt động trong các lĩnh vực không có cơ hội tồn tại, phát triển trong tương lai sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực.
Để tạo tiền đề cho giai đoạn mở cửa, ngay từ bây giờ, phải xử lý triệt để các vấn đề thủ tục, vướng mắc về pháp lý. Chẳng hạn, các nút thắt về chính sách đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Phải tháo gỡ để khi cơ hội mở ra là tận dụng luôn, thực thi được ngay, nhất là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Một chốt kiểm soát dịch trên đường Nguyễn Kim, quận 10, TP HCMẢnh: Hoàng Triều
Tận dụng kinh nghiệm chống dịch của các nước
Nhiều quốc gia đã xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu", nhấn mạnh đến việc sống chung với virus và khuyến khích trách nhiệm cá nhân
Israel từng hy vọng tiêm vắc-xin là lối thoát vượt qua đại dịch. Tháng 4-2021, Israel dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nối lại việc đi lại quốc tế, thậm chí "hộ chiếu xanh - hộ chiếu vắc-xin" cũng không còn cần thiết. Tuy nhiên, khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, tháng 8-2021, Israel ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Dù tỉ lệ tiêm vắc-xin tương đối cao, mức độ miễn dịch ở Israel đã bắt đầu giảm dần.
Singapore trải qua một khoảng thời gian "zero Covid" nhưng lãnh đạo nước này cảnh báo người dân việc duy trì mục tiêu trên là bất khả thi, đồng thời nỗ lực hướng đến việc đưa Covid-19 trở thành "bệnh đặc hữu". Singapore hiện ghi nhận khoảng 100 ca/ngày. Khoảng 78% dân số Singapore, bao gồm cả trẻ em, đã được tiêm vắc-xin đầy đủ. Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, tăng cường xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc đã kiểm soát được số ca mắc. Singapore cũng đặt ra nhiều quy định khác nhau với những người đã tiêm vắc-xin và chưa tiêm vắc-xin.
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch còn tiếp tục một vài năm nữa và không quốc gia nào có thể đóng cửa nền kinh tế mãi. Do vậy, cần phải chuẩn bị tâm lý, tìm cách sống chung với dịch một cách an toàn, thông minh. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể quay trở lại cuộc sống bình thường nếu không có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, song chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ. Một loạt biện pháp y tế công cộng khác phải áp dụng song song như đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc, xét nghiệm và "hộ chiếu vắc-xin"...; nâng cao mạnh mẽ năng lực, trang thiết bị cho hệ thống y tế, bệnh viện; tạo thói quen phòng dịch, làm việc từ xa...
Việc mở cửa lại hoạt động kinh tế chia làm 3 giai đoạn và đều tùy theo khuyến nghị của ngành y tế. Chẳng hạn, giai đoạn 1 sẽ mở cửa các ngành thiết yếu không tụ tập đông người, không cần tiếp xúc nhiều với khách; bắt buộc giãn cách 2 m, đeo khẩu trang; tăng cường giao dịch online, giao hàng tận nơi hoặc nhận hàng tại chỗ...
Đến giai đoạn 2, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như bán lẻ, ăn uống, du lịch, rạp chiếu phim... được phép mở cửa nếu bảo đảm quy tắc giãn cách và vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, các biện pháp về biên giới vẫn được thắt chặt; các sự kiện lớn, quy tụ hơn 100 người bị hủy bỏ hoặc hạn chế quy mô; làm việc từ xa, hạn chế di chuyển và tiếp xúc xã hội.
Sang giai đoạn 3, khuyến khích làm việc từ xa; các sự kiện xã hội quy mô nhỏ hoặc có phương án giãn cách an toàn được phép mở lại; các hoạt động kinh doanh không thiết yếu được phép mở cửa hoàn toàn trong điều kiện bảo đảm giãn cách và vệ sinh an toàn...
Phát huy hiệu quả, khắc phục nhược điểm
Thời gian qua, TP HCM đẩy mạnh triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định. Thế nhưng, đâu đó vẫn có trường hợp lây lan dịch bệnh tại khu dân cư đông đúc; còn có tình trạng nhiều người vô tư đi lại, chuyện trò trong hẻm xóm, chung cư để rồi dương tính... Thực tế cho thấy nơi nào tổ Covid cộng đồng hoạt động tốt, nơi đó an toàn, dù có dịch cũng được dập tắt nhanh.
Trong công tác điều trị, ngoài hệ thống bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 thì các trung tâm y tế lưu động, hệ thống hỗ trợ từ xa... đang phát huy tác dụng, cần kiện toàn để sớm tiếp cận người bệnh và cứu chữa kịp thời. Kết quả hoạt động từ mạng lưới này cho thấy chỉ một tỉ lệ rất nhỏ được hỗ trợ bị chuyển nặng, phải đưa đi cấp cứu, còn lại đều vượt qua được.
Bên cạnh đó, từ thành phố đến quận, huyện cần có sự thống nhất trong công tác phòng chống dịch, tránh sự chồng chéo trong quản lý.
Bình luận (0)