Năm 2010, khi lên TP HCM sống đời sinh viên, trong một sáng uống cà phê, tôi mới lần đầu cầm trên tay tờ Báo Người Lao Động. Cảm nhận đầu tiên là một "phong vị lạ"; có gì đó phảng phất "nét Sài Gòn" qua từng trang báo khiến người "Sài Gòn mới" như tôi chợt phải lòng! Để rồi từ đó tôi "kết" ngay.
Xem trọng tiếng nói bạn đọc
Tập tành viết báo từ thời cấp 2, biết Báo Người Lao Động từ năm 2010 nhưng mãi đến năm 2015, tôi mới dám gửi bài đầu tiên và được sử dụng ngay. Tôi còn nhớ đó là bài "Làm du lịch đừng đặt nặng tư tưởng cục bộ địa phương" đăng ngày 17-7-2015. Vốn là sinh viên mang nhiều ân nghĩa của người Sài Gòn nên khi Báo Người Lao Động mở chuyên mục "Sài Gòn bao dung", tôi như được trút cạn nỗi niềm qua bài viết "Nhớ "tình cho không biếu không" của người Sài Gòn" (đăng ngày 6-8-2015) và "Ở Sài Gòn không phải "cái gì cũng mất!" (ngày 13-8-2015). Để rồi từ đó, tôi cộng tác thường xuyên hơn.
Tôi thích cách tạo chủ đề, diễn đàn trên trang bạn đọc, giúp bạn đọc thuận tiện cộng tác, sáng tỏ vấn đề hơn qua những góp ý đa chiều. Có thể nói Người Lao Động là tờ báo rất xem trọng tiếng nói bạn đọc, vì bạn đọc…, lấy đó làm thế mạnh tờ báo bởi thông tin từ bạn đọc là đa dạng và vô tận.
Điều thú vị nữa là việc chọn tin, bài của bạn đọc rất công tâm, không phân biệt vị trí xã hội, trình độ…, cái chính là chất lượng nội dung. Như khi tham gia cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", tôi lo lắng vì phải "đối đầu" với nhiều tên tuổi lớn nhưng kết quả đã khiến tôi nghĩ khác. Chưa kể việc sử dụng tin bài rất nhanh, với báo giấy chỉ 1-2 ngày; còn với phiên bản online thì vào dịp Tết nguyên đán, tôi từng có bài đăng chỉ sau 2 giờ gửi đi.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức trao giải nhất cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” cho tác giả - bác sĩ Vân Thanh Ảnh: Hoàng Triều
Hết mình vì bạn đọc
Thật ra với người trẻ như tôi, ấn tượng đầu tiên với Báo Người Lao Động là Giải Mai Vàng đình đám. Có thể nói đây là một trong những giải thưởng uy tín, có giá trị trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Hơn 25 mùa giải mà sự rộn ràng, háo hức vẫn nguyên vẹn. Với người nghệ sĩ, Giải Mai Vàng là "thước đo" nghệ thuật, sự nghiệp; với công chúng, là sự thõa mãn, niềm tin. Tất nhiên không thể không nhắc tới "Mai vàng nhân ái" - một chương trình đầy tính nhân văn, nghĩa tình.
Sát sườn cùng người lao động, đồng hành với việc làm, đời sống của người lao động nhưng Báo Người Lao Động không quên trách nhiệm thiêng liêng với đất nước, dân tộc thể hiện qua chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" rất thiết thực và ý nghĩa; làm cầu nối cho chính quyền TP HCM qua cuộc thi viết "Lắng nghe người dân hiến kế"; nhanh nhạy nắm bắt cuộc sống qua việc thực hiện cây "ATM thực phẩm miễn phí"… Nghiêm túc, tâm huyết, sáng tạo… có lẽ là những tố chất tạo nên sức sống cho Báo Người Lao Động.
Nhưng có lẽ Người Lao Động cũng như nhiều tờ báo khác, tuy vừa được khoác lên mình "chiếc áo mới" qua cơ cấu chuyển đổi báo chí nhưng vẫn còn đó vô vàn khó khăn khi phải tự chiến đấu với chính mình. Đó là sự phát triển không ngừng của báo mạng đẩy báo giấy vào vị thế… hụt hơi. Làm sao đây? Phát triển báo giấy hay báo mạng? Làm sao cân đối cả hai mặt phát triển tờ báo theo hướng hiện đại lẫn bảo đảm doanh thu, chi tiêu tài chính? Không phủ nhận tính tiện ích của báo mạng nhưng báo giấy vẫn còn là nhu cầu của một bộ phận bạn đọc, nhất là ở thị thành. Vậy cái chính theo tôi là chất lượng - yếu tố quyết định sự sống còn của tờ báo!
Sức sống của tờ báo chính là niềm tin yêu từ bạn đọc và niềm tin đó phải được nuôi dưỡng bằng sự hết mình vì bạn đọc. Đổi mới từ hình thức, nội dung phải là việc không ngừng nghỉ; chất lượng trang báo không chỉ là những vấn đề, sự kiện vĩ mô mà phải là những câu chuyện dung dị, đời thường len lỏi từ mọi ngóc ngách cuộc sống. Dĩ nhiên, đã mang tên Báo Người Lao Động thì không thể thiếu tiếng nói của người lao động.
Báo chí không chỉ là thông tin
Hôm đến tòa soạn dự lễ trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", rồi đến Ban Công tác xã hội của báo, tôi thấy các anh chị ở đây rất nhiệt tình. Họ công tâm tìm giúp địa chỉ và gợi ý tôi đóng góp cho một mái ấm cơ nhỡ khá lâu rồi không được trợ giúp trực tiếp. Chuyện nhỏ thôi nhưng quý ở cách làm, ở sự sẻ chia... Có lẽ đó là câu chuyện mà tôi muốn nhắc tới nhất nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Người Lao Động (28.7.1975- 28.7.2020) như một lời tri ân, một niềm tin về những việc làm sau trang báo. Báo chí không chỉ là thông tin mà còn hàm chứa đủ cung bậc của cuộc sống, tình người.
Bình luận (0)