Thị trường bất động sản TP HCM đang mất cân đối khi dư thừa sản phẩm cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở cho người thu nhập trung bình. Các dự án bất động sản mới tại TP HCM liên tục được tung ra thị trường nhưng hầu hết chỉ tập trung vào nhà ở thương mại. Ở chiều ngược lại, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong tình trạng "như lá mùa thu".
"Một công đôi việc"
Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, TP HCM có 23 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng khoảng 17.900 căn hộ. Trong khi đó, theo ước tính, nhu cầu về nhà ở xã hội trong giai đoạn này khoảng 80.000 căn...
Nghịch lý là trong khi nhà ở xã hội còn thiếu thì nhiều quỹ đất công của TP HCM bị bỏ hoang nhiều năm do vướng thủ tục. Bên cạnh đó, TP HCM còn hơn 9.000 căn hộ tái định cư và hơn 2.000 nền đất chưa sử dụng. Trong đó, nhiều nhất nằm tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
TP HCM cần phát triển nhà ở xã hội tại các khu vực dọc theo điểm kết nối giao thông công cộng trọng điểm, như metro số 1 (hướng Đông, TP Thủ Đức), metro số 2 (hướng Bắc, gồm các quận Tân Phú, 12), metro số 3A (hướng Tây, gồm quận Bình Tân và huyện Bình Chánh).
Cụ thể, cần tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực metro bằng cách phát triển loại hình chung cư, tận dụng cơ sở hạ tầng của tuyến giao thông này để thu hút người dân, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Việc tập trung dân cư xung quanh các nhà ga metro vừa tạo môi trường sống tiện ích cho người dân và cũng là nguồn khách dồi dào sử dụng metro, vừa tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho người dân.
Chung cư nhà ở xã hội Hoa Phượng, nằm cặp Quốc lộ 1 hướng từ ngã tư An Sương ra xa lộ Hà Nội Ảnh: Hoàng Hằng
Cơ hội hiện thực hóa giấc mơ
Bên cạnh đó, TP HCM hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực phát sinh từ 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông, giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống bảo đảm.
Khi tuyến Vành đai 3 hoàn thiện sẽ hình thành các khu đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tây Bắc Củ Chi (TP HCM), Đức Hòa và Đức Huệ (Long An), TP Thuận An (Bình Dương). Việc phát triển nhà ở nói chung dọc theo đường Vành đai 3 là cơ hội tăng quỹ đất cho nhà ở xã hội. Đây cũng là cơ hội để hiện thực hóa việc sở hữu nhà ở xã hội của người dân, cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội tại TP HCM.
Đường Vành đai 4 có mục tiêu là kết nối khu vực Tây Nam Bộ với khu vực miền Đông Nam Bộ và khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An. Ngoài việc tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng, Vành đai 4 còn góp phần gia tăng giá trị bất động sản ở các địa phương nơi có tuyến đường này đi qua.
Trong thực tế, việc bất động sản "ăn theo" đường Vành đai 4 đã và đang diễn ra, chỉ có điều dự án cụ thể cho nhà ở xã hội thì vẫn chưa rõ… Như vậy, tương tự Vành đai 3, Vành đai 4 cũng có tiềm năng lớn trong việc dành ra quỹ đất để xây dựng và phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Nói khác hơn, việc phát triển công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối TP HCM với các tỉnh trong vùng ở miền Đông và miền Tây sẽ giải quyết được vấn đề về giá và khoảng cách di chuyển khi lựa chọn nhà ở xã hội của người dân.
Một vấn đề nữa là khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo…, nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên; quy hoạch các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... theo quy định. Cùng với đó, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Bình luận (0)