Chúng tôi đến căn hộ 504 lô A chung cư Phan Văn Trị (phường 2, quận 5, TP HCM) cũng là lúc ông Nguyễn Quốc Thời (70 tuổi, cán bộ hữu trí) đang lọ mọ xếp lại một chồng giấy tờ. Đây là toàn bộ hồ sơ của gần 1 năm qua gửi đi các cơ quan chức năng để khiếu nại một chủ hộ nuôi chó berger trong chung cư.
Nỗi ám ảnh chó cắn
Theo ông Thời, tháng 5-2016, bé N.Q.T (5 tuổi, cháu của ông) đang đứng ở cầu thang tầng 5 chung cư thì bất ngờ con chó berger của chủ căn hộ 505 nhảy đến cắn vào chân. Sau đó, gia đình đưa bé T. đến trung tâm y tế để chích ngừa. Do hoảng sợ và ảnh hưởng của thuốc, suốt 2 tháng, bé T. thường hay sốt, giật mình trong khi ngủ.
Từ vụ việc này, ông Thời đã làm đơn khiếu nại gửi đến ban quản trị chung cư và nhiều cơ quan chức năng. Suốt 3 tháng lên xuống hỏi tình hình, cuối cùng cơ quan chức năng mới “trục xuất” con chó ra khỏi chung cư. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn thì một con chó berger khác lại xuất hiện ở căn hộ 507A. Lo lắng cho sự an toàn của gia đình và cư dân chung cư, một lần nữa, ông Thời nhiều lần lên UBND, công an phường, UBND quận gửi đơn khiếu nại. Không biết bao nhiêu lá đơn đã gửi đi nhưng gần 1 năm qua, con chó vẫn sống ở chung cư.
“Theo quy định, không được phép nuôi chó trong chung cư, nhất là những giống chó to, khỏe gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, người già, nhưng có người vẫn nuôi. Vừa rồi, cháu bé 8 tuổi ở lầu 4 vừa bước ra thang máy, bất ngờ một con chó nhảy đến khiến cháu té ngã. Tôi cũng đã mấy lần bị chó cắn hụt nên rất ám ảnh” - ông Thời bức xúc.
Còn tại chung cư Hoàng Anh Riverview (phường Thảo Điền, quận 2), hộ ông Đinh Đức Thắng nuôi một con chó dữ, có lần quên đóng cửa nên nó chạy ra ngoài cắn một bé gái ở căn hộ đối diện. Sau vụ việc đó, 2 nhà không nhìn mặt nhau do không thỏa thuận được chi phí bồi thường.
Cũng vì con chó mà ông Phạm Văn Nam (56 tuổi; ngụ phường Tân Quy, quận 7) và người em họ không nhìn nhau. Trong một lần đi tập thể dục, ông Nam bị chó của người này cắn, đến nay ống chân vẫn còn lõm sâu. “Hơn một tuần chích thuốc, điều trị, gia đình bên đó không một lời thăm hỏi. Giận quá, con trai tôi cầm một cây gỗ lớn qua “nói chuyện”, khi đó họ mới nhờ tổ dân phố dẫn đến xin lỗi” - ông Nam kể.
Thông tư đã có, phải chấp hành
Ông Huỳnh Đắc Nhã - Chủ tịch UBND phường 2, quận 5 - cho biết sau khi tiếp nhận đơn của ông Thời, phường đã nhiều lần đến gặp chủ hộ đề nghị đưa chó ra khỏi chung cư. “Hiện nay, Thông tư số 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng nghiêm cấm chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong chung cư nhưng không có hình thức xử lý, chế tài khiến cán bộ lúng túng. Vận động mà chủ hộ không chịu thì chúng tôi cũng... bó tay. Giải pháp đưa ra là cho chủ hộ viết cam kết nếu chó cắn người sẽ bị “trục xuất” ra khỏi chung cư” - ông Nhã phân bua.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM), Thông tư số 02/2016/TT-BXD cấm nuôi chó, mèo ở chung cư thì người dân phải chấp hành, không nhất thiết là có căn cứ xử phạt hành chính mới xử lý được. “Phường cần giải thích cho chủ hộ biết có thông tư này, cư dân chung cư không được phép nuôi chó vì gây ồn ào, phóng uế bừa bãi...” - luật sư Minh nhấn mạnh.
Luật sư Minh cho biết người nuôi chó phải rọ mõm và có dây xích mỗi khi dẫn ra ngoài, nếu vi phạm hoặc để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác, có thể bị xử phạt theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Đặc biệt, để chó cắn chết người, người nuôi có thể bị xử lý hình sự tội “Vô ý làm chết người”.
Bình luận (0)