Với mục tiêu tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển, bố trí vốn đầu tư các dự án mới để phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM, việc xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong bối cảnh hiện nay là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp bách.
Những vướng mắc
Kế hoạch đầu tư công trung hạn được xây dựng theo các nguyên tắc của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải ưu tiên cho dự án chuyển tiếp và dự án có thể hoàn thành theo tiến độ được duyệt. Tổng danh mục các dự án và mức vốn bố trí phải nằm trong trần tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội cho phép.
Trong giai đoạn 2016-2020, HĐND TP HCM đã chấp thuận cơ chế: "Tùy theo khả năng huy động thêm các nguồn vốn vào ngân sách để chi cho đầu tư công, cho phép UBND thành phố được huy động đến đâu bố trí cân đối vốn cho các dự án đến đó theo thứ tự ưu tiên hợp lý, báo cáo HĐND thành phố vào kỳ họp cuối các năm".
Dự án Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP HCM khởi công năm 2013, đến nay vẫn dang dở. Ảnh: QUỐC ANH
Thực tế, các dự án có tiến độ giải ngân, hấp thụ vốn tốt đã được bố trí vốn đầy đủ và hoàn thành, đưa vào sử dụng. Những dự án phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 hầu hết là do gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân, kéo dài qua nhiều giai đoạn nên không thể hoàn thành trong giai đoạn trước.
Vì vậy, việc hấp thụ vốn của các dự án này trong trung hạn, gần đây nhất là kế hoạch vốn năm 2022, là hết sức khó khăn. Trong khi đó, TP HCM còn rất nhiều dự án có khả năng giải ngân, có thể triển khai sớm nhưng không thể bố trí vốn do đã phân bổ hết kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới vấn đề "có tiền nhưng không tiêu được", có dự án cần bố trí nhưng lại không được bố trí, trong khi dự án được bố trí thì không thể giải ngân.
Ngoài ra, việc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 cũng có đặc thù riêng. Diễn biến bất lợi liên quan đại dịch COVID-19 dẫn đến việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021 bị ngưng trệ. Các tháng đầu năm 2022, TP HCM phải tập trung đẩy nhanh các thủ tục nên tỉ lệ giải ngân thấp, gây áp lực giải ngân cho các tháng cuối năm.
Xung đột quân sự, chính trị trên thế giới đã tạo ra lạm phát lớn ở nhiều quốc gia, gây đứt gãy nguồn cung, sức ép lên giá cả nguyên - nhiên liệu, máy móc, thiết bị, cũng ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án. Với độ mở nền kinh tế lớn, tác động từ các yếu tố khách quan ảnh hưởng lên hoạt động đầu tư công của TP HCM cũng lớn hơn các tỉnh, thành phố khác.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng có một số tồn tại xuất phát từ công tác quản lý của thành phố.
Chủ động, linh hoạt điều hành ngân sách địa phương
Từ những vướng mắc trên, TP HCM cần thiết phải có một cơ chế đặc thù, vượt trội về xây dựng kế hoạch quản lý đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân làm tiền đề, tạo động lực cũng như hành lang pháp lý cho việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng của thành phố.
Về phía TP HCM, khi có được cơ chế đặc thù, vượt trội, cần chủ động, linh hoạt trong việc điều hành ngân sách địa phương, tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, chủ động quyết định danh mục dự án và tổng mức vốn đầu tư công trung hạn trên cơ sở dự kiến khả năng tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương; sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Để tăng hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư công, có thể bố trí ngay cho các dự án khởi công mới có nhu cầu vốn cao và giải ngân được ngay. Đối với các dự án đang vướng mắc về thủ tục (trong đó có công tác bồi thường giải phóng mặt bằng), có thể linh hoạt bố trí vốn hằng năm trong các năm tiếp theo, sau khi đã tháo gỡ được các vướng mắc.
Giải quyết được các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, cải tạo môi trường, áp lực lên hệ thống y tế, giáo dục, đẩy nhanh việc triển khai các dự án sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hạn chế những bức xúc của người dân về chậm triển khai các dự án "quy hoạch treo".
Việc phân bổ hiệu quả các dự án đầu tư công sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, tạo cơ hội cho họ tiếp cận giáo dục bình đẳng và hưởng thụ các dịch vụ y tế, văn hóa. Việc này không làm tăng mức bội chi ngân sách hằng năm, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản của TP HCM nên cũng không ảnh hưởng đến trần nợ công chung của cả nước.
Ngoài ra, bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả dự án đã có trong danh mục dự án của kế hoạch trung hạn và đủ điều kiện bố trí hằng năm; làm cơ sở để chủ đầu tư và các sở, ngành hoàn thành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện chi trả cho người dân. Việc hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không chỉ có ý nghĩa về kết quả giải ngân mà còn là nền tảng để các dự án xây lắp có thể triển khai và hoàn thành trong năm 2024, 2025... nhằm hoàn thành kế hoạch trung hạn đã đề ra.
Bình luận (0)