Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN:
Từng bước cải tiến công nghệ
Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp là do ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, nói cách khác là năng suất tổng hợp của nền kinh tế ở mức thấp. Trong đó, nguyên nhân do doanh nghiệp (DN) Việt đa phần có vốn mỏng, trình độ công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động, sản phẩm làm ra không nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, giải pháp duy nhất là chuyên nghiệp hóa từng công đoạn sản xuất đi đôi với cải tiến công nghệ một cách phù hợp, khả thi, không thể kỳ vọng hay hô hào quá lớn. Các nước áp dụng công nghệ 4.0 là bởi họ đã kinh qua giai đoạn 1.0, 2.0, 3.0. Chúng ta đi lên từ 1.0, đòi nhảy cóc tới 4.0 để tiết kiệm thời gian nhưng cái chính là có làm được không khi không có nền tảng vững chắc.
Cái cần làm nhất là từng bước cải thiện công nghệ, cách thức sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng lớn dần lên, ít nhất là xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội vàng từ các hiệp định lớn vừa ký kết như Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, nhất là trong ngành dệt may với quy tắc xuất xứ chặt chẽ…
Chúng ta thường nhắc đến việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ để nâng cao NSLĐ. Thế nhưng, bản thân ngành công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam cũng chưa phát triển đến trình độ cao, ngay trong ngành công nghiệp cũng gia công là chính. Nếu chuyển hướng từ ngành này sang ngành kia thì cũng chỉ cải thiện được năng suất trong giai đoạn đầu, sau đó, nếu bản thân nội tại mỗi ngành không tiếp tục cải tiến thì sẽ bị nghẽn ở đó vì hết dư địa chuyển đổi. Vì vậy, trong từng ngành, sự chuyển dịch cũng cần được định hướng rõ ràng để có hiệu quả cao nhất.
Ông LÊ MINH QUANG, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Innovit Sài Gòn:
Quan tâm đến trách nhiệm với người lao động
Ngày càng nhiều DN quan tâm giảm chi phí, tăng NSLĐ hiệu quả hơn nên đã chủ động học và ứng dụng những công cụ phục vụ cho quản trị, quản lý DN. Đặc biệt, những DN trẻ hoặc DN có lãnh đạo trẻ, tư duy đổi mới học và ứng dụng nhanh hơn. Một số ông chủ DN sẵn sàng mời công ty tư vấn đến khảo sát, lập dự án cải tiến nâng NSLĐ và chấp nhận chi tỉ lệ % trên tổng số tiền tiết kiệm được từ việc khắc phục hạn chế, tăng năng suất. Đó là tín hiệu đáng mừng, bởi nếu càng có nhiều DN chịu đổi mới như vậy, NSLĐ chung của các ngành sản xuất sẽ khá dần lên.
Dù vậy, có một thực tế là đại đa số ông chủ DN còn quan tâm đến lợi nhuận nhiều hơn là trách nhiệm với người lao động, nên chỉ bỏ ra một phần nhỏ lợi nhuận để đầu tư trở lại cho người lao động. Song song đó, các công ty gia đình còn bị hạn chế là không phát huy sáng kiến của người giỏi, lãng phí trong công ty (giờ công, mặt bằng, con người, vốn, thao tác, hàng tồn kho, lưu trữ…).
Đồ họa: LÂM NGUYÊN
Ông LÊ PHƯỚC VÂN, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Hạnh Gia:
Ba cách tăng năng suất lao động
Tùy tầm nhìn của mỗi DN mà họ chọn tham gia vị trí nào trong chuỗi giá trị gia tăng, NSLĐ cũng tùy thuộc vào sự lựa chọn ban đầu này của chủ DN.
Thông thường, có 3 cách để tăng NSLĐ, nghĩa là tăng doanh số trên mỗi giờ công lao động. Cách đầu tiên dễ nhất là đầu tư thiết bị máy móc. Điều kiện: DN phải có tiền và đầu tư đúng, nếu không khoản đầu tư đó không mang lại hiệu quả như mong muốn mà ngược lại sẽ trở thành một cục nợ. Phần lớn DN Việt mắc sai lầm là đầu tư chưa đúng trọng tâm, thay vì đầu tư đúng điểm "thắt cổ chai" hoặc giải quyết các điểm vướng về công nghệ để giảm tỉ lệ hư lỗi, tăng hiệu quả dây chuyền sản xuất, đầu tư vào điểm làm nên sự khác biệt hoặc tự động hóa sản xuất… thì lại đầu tư sai lệch, vừa tốn kém vừa lãng phí mà không đạt được mục tiêu đề ra.
Cách thứ 2 là sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có: sử dụng máy móc, nhân công và các hoạt động hiện tại hiệu quả nhất. Điều kiện là DN phải có nội lực với lực lượng lao động giỏi, yêu công ty mới làm được.
Cách thứ 3 là thay đổi về nền tảng phương thức sản xuất. Hiện các DN đang bố trí theo phương thức truyền thống: khi bước vào nhà máy luôn thấy hàng hóa rất nhiều nhưng sắp xếp không hợp lý làm ngăn dòng chảy sản phẩm. Nếu áp dụng phương thức sản xuất hiện đại để kết nối máy móc, tạo quy trình sản xuất phù hợp sẽ giúp chỉ tiêu sản xuất tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với phương thức cũ.
Tiếp tục cải cách để DN phát triển
Dưới góc độ vĩ mô, bà Phạm Chi Lan cho rằng tái cấu trúc ngành, cải cách thể chế, cởi trói những tư duy bó buộc, tạo điều kiện cho DN được phát triển cũng góp phần nâng cao năng suất toàn xã hội. Ở phạm vi hẹp hơn, mỗi DN không thể tự thúc đẩy tăng NSLĐ nếu không gắn liền với thu nhập của người lao động. Bởi vì, thu nhập cao sẽ thúc đẩy bản thân người lao động học tập nâng cao tay nghề, trình độ; thu nhập cao đi liền với đòi hỏi trình độ xuất sắc cũng giúp học sinh, sinh viên, người lao động tự nguyện học hỏi để đáp ứng được yêu cầu của DN trên thị trường.
Bình luận (0)