Tuy nhiên, đưa quy định vào thực tiễn không đơn giản, đặc biệt khi quy định đó liên quan đến tư duy, văn hóa ứng xử - điều vốn dĩ ăn sâu vào nhận thức, cách ứng xử của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
Nhớ thời gian trước đã có chủ trương “nụ cười công sở”, yêu cầu công chức nở nụ cười khi tiếp xúc công dân. Điều này rất tốt nhưng vẫn có gì đó mang tính xã giao, hình thức. Trong tình hình hiện nay, khi tình trạng nhũng nhiễu có chiều hướng gia tăng trong giao dịch giữa công dân, doanh nghiệp với công chức và cơ quan công quyền, nếu có sự chọn lựa giữa “nụ cười” khi giải quyết công việc với việc đúng hẹn hoàn tất thủ tục, có lẽ mọi người sẽ chọn đúng hẹn vì thực chất hơn.
Xu hướng coi người dân, tổ chức là khách hàng trở thành yếu tố đưa đến các nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền là cần thiết để cải thiện mức độ và chất lượng dịch vụ công; có thể giúp nâng cao chất lượng của mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và công dân bằng việc bác bỏ quan niệm cho rằng công dân chỉ là người được hưởng một cách thụ động dịch vụ do các cơ quan độc quyền của chính quyền ban phát.
Ở nhiều quốc gia, để việc lắng nghe tiếng nói của công dân thiết thực, hiệu quả, người ta thực hiện Hiến chương công dân dựa trên quan điểm công dân đóng góp cho mọi dịch vụ công với tư cách là người nộp thuế và có các quyền cơ bản của một thành viên trong xã hội nên có quyền hưởng các dịch vụ công có chất lượng cao, phù hợp và hiệu quả. Muốn làm được điều này, rất cần đưa vào quá trình hoạt động công vụ những giải pháp, kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức phải tuân thủ. Cần thực hiện một “công nghệ hành chính” như áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo ISO-9000. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì không lý do gì công chức không giải quyết đúng hẹn việc của dân. Bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, làm không đúng quy chế cam kết sẽ bị loại ra lập tức.
Bình luận (0)