Sống cùng bố mẹ đẻ chừng một tháng, chúng tôi xin phép ra ở riêng, bắt đầu tự lập. Vợ chồng tôi đều là những người làm công ăn lương, thu nhập không cao nên cuộc sống mới gặp đôi chút khó khăn. Nhất là khi chúng tôi phải bỏ ra một khoản tiền để can thiệp y tế, giúp vợ tôi mang bầu.
Hành trình mang bầu của vợ tôi cũng gặp nhiều trắc trở, cô ấy từng là F1 trong một lần đi khám thai, rồi lại là F2 của chính tôi. Thời điểm đó, vợ chồng tôi rất lo lắng, vì chưa ai tiêm vắc-xin, lo cho mình, lo cho con, chỉ biết cầu mong bình an. Rất may, chúng tôi không ai trở thành F0.
Tác giả bài viết và bà xã sẽ đón cái tết đầu tiên bên nhau
Cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ có rất nhiều điều bắt buộc chúng tôi phải học hỏi, thích nghi và vượt qua. Hằng ngày, chúng tôi đều ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng và về nhà lúc 19 giờ tối. Trên những chuyến xe buýt dài đằng đẵng như chất chứa bao hy vọng về tương lai.
Thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đấy", vợ tôi mất việc làm, không có thu nhập, tôi chỉ còn một nửa lương nhưng cả hai vẫn cố gắng chi tiêu hợp lý, giữ tinh thần lạc quan để chăm sóc cho thai nhi bé bỏng. Có những bữa ăn chỉ có lạc và rau, bữa đậu phụ với cà... nhưng khi ngồi xuống mâm, chồng một nụ cười, vợ một nụ cười là thành một mâm cơm hạnh phúc.
Dịch lắng xuống sau làn sóng thứ tư, tôi quay trở lại đi làm, tích góp được chút tiền chuẩn bị cho vợ sinh em bé. Đến ngày sinh, vợ tôi phải mổ, do bệnh viện áp dụng biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nên phải hạn chế người thân vào chăm sóc, nhiều việc vợ tôi phải tự làm. May mắn, mọi điều đều êm xuôi, mẹ tròn con vuông xuất viện trong niềm vui vô bờ bến của hai vợ chồng, hai bên nội ngoại.
Chúng tôi bắt đầu học cách làm cha, làm mẹ. Vợ tôi có những đêm thức trắng chăm con, có ngày mất sữa phải cho con ăn thêm sữa ngoài, tôi phải học cách thay bỉm cho bé, pha sữa, dọn dẹp nhà cửa... những điều mà trước đây tôi chưa từng làm.
Nhưng hồi hộp nhất, có lẽ là chúng tôi chuẩn bị đón tết đầu tiên bên nhau trong gia đình nhỏ. Những tết trước, chúng tôi đều ở bên cha mẹ, trong vòng tay ấp ủ tình thân và chỉ lo việc sắm sửa quần áo, đồ cá nhân thì nay trách nhiệm đó thuộc về những cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi.
Ngay từ đầu tháng Chạp, tôi đã lên mạng tìm kiếm thông tin về công tác chuẩn bị ngày 23 cúng ông Công ông Táo và đón giao thừa, cách làm cỗ cúng trong 3 ngày tết, văn khấn như thế nào. Trước đây, công việc này bố tôi là người thực hiện, tôi có quan sát nhưng chưa lần nào hỏi bố chi tiết làm như nào, lễ như nào.
Em bé nhà tôi ra đời mạnh khỏe trong “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 năm 2021.
Con gái chúng tôi mới được 3 tháng, vợ tôi đã xin được công việc mới và đi làm trở lại. Tôi đem con đi gửi bà trẻ. Thương con non nớt nhưng không còn cách nào khác, bởi cơm áo gạo tiền, tết ấm no. Vợ tôi tranh thủ 1 tiếng rưỡi nghỉ trưa về cho con bú, ăn vội bát cơm rồi lại đi làm, mọi thứ dần vào guồng quay mới, tuy vất vả hơn nhưng ẩn chứa niềm vui lớn.
Chúng tôi cố gắng tiết kiệm, hy sinh những sở thích cá nhân để lo cho con gái điều tốt đẹp nhất. Tết đến, vợ chồng chúng tôi dành dụm một khoản đi lễ tết hai bên nội ngoại, một khoản nhỏ hơn để mua sắm, một khoản khác để dự trữ phòng lúc không may con bị ốm. Cành đào nhỏ, cây quất xinh, bánh chưng xanh đã có mặt trong nhà tôi làm cho không khí tết thêm rạo rực.
Mọi năm, vợ tôi làm ở bệnh viện và thường phải trực đêm. Năm nay đã khác, vợ tôi sẽ được nghỉ tết, đón giao thừa ở nhà và hơn nữa có thêm thành viên bé nhỏ trong gia đình, chúng tôi sẽ cùng nhau thức đón khoảnh khắc giao mùa, đi lễ chùa và đón tết, mọi áp lực của cơm áo gạo tiền cứ gác sang một bên vì đã có gia đình là điều quý giá nhất.
Tết đầu tiên bên nhau, sẽ rất đơn giản nhưng chứa chan nhiều cảm xúc, và những cảm xúc đó sẽ được viết đẹp đẽ lên trang giấy trắng tinh trong vài ngày tới. Những người hàng xóm láng giềng thấy đôi vợ chồng trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, thường xuyên sang hỏi thăm, cho mớ rau, ít quả, rủ cùng gói bánh chưng làm ấm thêm tình làng nghĩa xóm.
Năm 2021, một năm Covid -19 sóng gió sắp trôi qua, điều quý giá nhất là sự bình an để ngày tết được quây quần bên người thân, gạt bỏ đi mọi ưu phiền năm cũ. Vì vậy, hãy trân trọng từng phút giây đoàn viên bên nhau bạn nhé. Chúc tất cả mọi người có một tết bình an, ấm áp, hạnh phúc bên người thân.
Bình luận (0)