Đó mới là cơn gió đông thật sự như hình ảnh trong văn chương, khác xa những chuỗi ngày mưa bão dầm dề tím môi mấy ngày trước. Ba khoác chiếc áo gió ra ngồi phòng khách uống trà sáng, ngó quãng đồng xanh non nói bâng quơ.
- Sắp Nô-ên rồi. Mấy bữa nữa là Tết nhứt tới nơi.
Đó là câu nói bắt đầu cho những ngày má gom đồ đi bán ở chợ Tết quê. Năm này tháng nọ, những thức cây, con, hoa, quả mùa này đều được gom góp, dành dụm bán chợ Tết. Tính từ đầu tháng chạp đã bắt đầu bán chuối sứ, chuối mật cho mấy nhà có chạp mả sớm chưng cúng. Nhà nông giỏi tính toán và khéo nuôi trồng là phải canh được lứa gà vừa tròn ký vào tầm từ "hăm hăm" tháng chạp là đẹp giá nhất. Buồng chuối sứ ươm ươm chín rơi vào tầm hăm lăm, hăm bảy Tết là bao nhiêu người xuýt xoa, trầm trồ khen. Những giàn trầu bạt mình sau bão cũng bắt đầu nứt lá non. Dừa khô mấy buồng. Cau dừ dừ vừa trái.
Chiều chiều, má đi thăm vườn về đứng ngay cửa sổ, quần ống thấp ống cao, tay cầm cái rựa con chặt chuối "điểm báo" với ba chỗ nào bán được, thứ gì để dành giỗ quảy trong nhà. Hai ông bà cứ nói qua nói lại với nhau qua song cửa sổ gỗ. Rồi má đi tuốt luốt một hơi. Tất bật và bận bịu như tất thảy những con người trăm công ngàn việc bây giờ. Cái hình ảnh đó, không hiểu sao luôn gây thương nhớ, hệt như mọi hình mẫu của thuận hòa và hạnh phúc cao vọng nào khác, khi ba má cùng lo toan, cùng bàn bạc, cùng dỗ dành cho cái Tết nó được tròn trịa ghé qua nhà mình.
Ba má tôi có 5 đứa con. Lúc ra riêng được cấp cho tổng cộng 6 sào ruộng và đất vườn đồi mênh mông tự khai hoang. Không có vốn và nuôi quá nhiều miệng ăn nên gia đình chật vật suốt. Có lẽ bọn trẻ con quanh năm tự trông nhau để ba má đi làm như chị em chúng tôi luôn có cảm giác đặc biệt về tháng chạp. Tháng của những ngày ba ở nhà, má loanh quanh chợ búa và gần như nhà luôn có một thứ đồ gì đó mới. Những buổi trưa đi học về thấy trên bệ thờ có xấp giấy gói bánh mứt xanh đỏ, mở tủ bếp quơ tay thấy túi đường trắng mát mát, nằng nặng là biết sắp tới lúc được thấy má làm bánh Tết…
Năm đó khá giả nhất, má mua đồ Tết. Mấy xấp vải mới cứng còn thơm nức mùi hồ, mùi vải cây lỏn lẻn nằm trong chiếc túi ni-lông kêu rọt rẹt đã đánh thức bao nhiêu là háo hức và vui sướng trẻ thơ của bọn trẻ đang trốn giấc ngủ trưa, rủ nhau lang thang rải rác khắp vườn. Chị Hai, anh Ba được mua vải quần tây, áo trắng để đi học. Chị Bốn, tôi và bé út được má mua cho mấy xấp vải hoa đủ màu. Chị Hai tủi tủi rớt nước mắt, kêu má chỉ thương ba đứa nhỏ nhất nhà, bắt chị phải mặc quần tây áo trắng ăn Tết. Dỗ không được, má phải la chị Hai, vừa lớn tiếng vừa buồn, kiểu thương quá mà không biết làm sao! Má đành dẫn chị Hai đi may chiếc áo trắng cổ thuyền, tay bèo để chị xúng xính mặc Tết như bạn như bè.
Sau này chị em tôi mới cắt nghĩa được những tính toán mệt đầu của má, làm sao chỉ với một bộ đồ mà 5 đứa con phải dùng được ít nhất nửa năm. Với trẻ con nông thôn ngày đó, áo quần mới là những thứ quà xa xỉ chỉ có trong cột mốc đặc biệt như mùa khai giảng hoặc Tết. Bộ đồ Tết là cả một gánh nặng của má, vì mới lo quần áo cho 5 đứa hồi tháng 9 để vô năm học mới, loay hoay là tới cuối năm liền. Ngẫm và thương những tháng ngày khốn khó, những cái Tết mà từng chút, từng chút êm ấm và ngọt ngào cứ lẳng lặng xuất hiện theo kiểu rất vụn vặt và thiệt thà, bằng bàn tay thu vén gọn gàng của má. Đến bây giờ, trong tận sâu tiềm thức của những đứa trẻ ngày đó, Tết vẫn là cả một trời êm đềm và ấm no, hiểu theo cách đơn thuần nhất.
Năm đứa trẻ của ba má đã lớn khôn và rời đi. Non chục năm cuộc đời chúng tôi sống xa gia đình nhưng truyền thống mặc định là hễ đến Tết thì anh em lại gom nhau về. Về với nhà, với ba má. Về với những buổi sáng lạnh long cong, líu ríu nghe đàn gà con đòi mồi trong sương sớm, nghe tiếng má lục đục ràng lại buồng chuối, mớ rau lên chiếc xe Cub túc tắc đi chợ. Chị Hai ra phụ một tay, mồm miệng càm ràm có mấy thứ vầy má cũng bày đặt đi chợ chi?
Má lỏn lẻn cười hiền: "Chu cha, chớ cũng phải thứ gì đem xuống chợ cho có chuyện Tết tư với người ta chớ!".
Má nổ xe te te chạy đi. Bóng má nhỏ dần trên con đường quê thân thương. Nghe cay trong góc mũi khi nhớ về những gom góp, dành dụm, ba má cả đời đã dành cho cháu con.
Nhà nhà bây giờ, không phải ai cũng có 5 đứa con, mấy sào ruộng và có Tết với những tháng ngày dành dụm đầy đặn cả mùa đông như thế. Xa nhà, xa quê, xa ba má… bấy nhiêu ký ức đó là cả một miền thương tròn trĩnh níu lòng. Nên Tết mà, là phải về. Về Tết. Về an trú cho lòng mình.
Ngẫm và thương những cái Tết khốn khó, phải dành dụm từng chút, từng chút cho êm ấm và ngọt ngào.
Bình luận (0)